Lễ hội đền Trần
Là một tỉnh nằm ở ven biển sông Hồng, cách
Hà Nội 110 km và Hải Phòng 70 km, so với các tỉnh thuộc châu thổ đồng bằng Bắc
Bộ, Thái Bình có diện tích đất tự nhiên thuộc loại hẹp nhưng mật độ các di tích
lịch sử văn hoá lại tương đối dày. Thái Bình có khoảng hơn 3.000 di tích lịch
sử văn hóa, trong đó đã xếp hạng được hơn 100 di tích và cụm di tích cấp quốc
gia, 02 di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt là chùa Keo, xã Duy Nhất,
huyện Vũ Thư và Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua Triều Trần, thuộc xã Tiến
Đức, huyện Hưng Hà); hơn 500 di tích và cụm di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Các di tích lịch sử - văn hóa được phân bố ở khắp các huyện, thị trong tỉnh.
Dưới đây là những địa điểm du lịch tâm linh
hấp dẫn nhất tại Thái Bình mà bạn có thể ghé thăm ngay vào dịp đầu năm này.
1,
Khu di tích lịch sử đền thờ các vị Vua Trần
Thái Bình là đất phát nghiệp, giữ ngiệp và
hưng nghiệp của vương triều Trần. Nhà Trần đã chọn Tam đường, nay thuộc xã Tiến
Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm Tôn miếu để đặt lăng tẩm các vị vua đầu
triều. Hiện tại, nơi đây còn ba ngôi mộ lớn, tương truyền là mộ của ba vị vua
đầu triều Trần. Do binh lửa chiến tranh, các công trình kiến trúc cổ đã trở
thành phế tích và di chỉ khảo cổ học Tam Đường đã được được Bộ VH, TT & DL
công nhận là khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Những năm gần đây, đền
thờ các vị vua trần tại Tam Đường cùng với các di tích thời Trần như Lăng mộ,
đình, đền thờ Thái Sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung tại xã Liên
Hiệp, huyện Hưng Hà, đền thờ Đức Thánh Trần tại A Sào, Xã An Thái, huyện Quỳnh
Phụ và một số di tích khác liên quan đến thời Trần được xây dựng lại với quy mô
bề thế, xứng tầm với lịch sử.
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2020 sẽ được
tổ chức trên quy mô cấp tỉnh, được tổ chức trong 5 ngày, từ 06 đến 10/02/2020,
tức từ ngày 13 đến ngày 17 tháng giêng năm Canh tý, với nhiều hoạt động văn hóa
truyền thống mang đậm dấu ấn thời Trần. Lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức
rất trọng thể, sau phần lễ là phần hội với các trò vui như: Rước kiệu, thi cỗ
cá, đấu võ, thi thả diều, thi phao đất, thi vật cầu…Thi cỗ cá (thi cá Trắm
luộc) là nét độc đáo đã có từ xưa trong lễ hội làng Tam Đường, ở hành cung nhà
Trần (nay là Khu di tích đền Trần).
2,
Chùa Keo
Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư,
tỉnh Thái Bình, thờ Quốc sư Dương Không Lộ vốn được dựng từ thời Lý, đến năm
1630 được xây dựng lại. Trải gần 400 năm, chùa vẫn giữ được khá nguyên vẹn kiến
trúc cổ. Chùa Keo hiện được coi là 1 trong 3 ngôi chùa đặc biệt trong số 10
kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam và là ngôi chùa có quy mô kiến trúc gỗ lớn
nhất toàn quốc. Chùa gồm 17 tòa, 128 gian.
Văn
bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng
khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm
kiến trúc khác nhau. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm
128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Đáng kể và tiêu
biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là
một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng
lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng
bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác
chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh
đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường
kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường
kính 0,69 m
Hàng năm, hội chùa Keo được mở vào hai kỳ:
Hội xuân vào ngày 4 Tết Nguyên Đán và hội thu (chính hội) từ 13 đến 15 tháng 9
âm lịch với nhiều lễ thức, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc biệt.
Thúy Hường