Làng nghề truyền thống ở Thái Bình nhiều về
số lượng, phong phú về loại hình, phân thành 6 nhóm chính sau: nhóm trồng bông
dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; nhóm nghề trồng chế biến cói đay
gai: dệt chiếu, đan cói, đan võng lưới; nhóm nghề mây tre đan; nhóm nghề rèn, đúc,
chạm kim loại; nhóm nghề xây dựng và sản xuất đồ gỗ, gốm sứ dân dụng; nhóm nghề
chế biến lương thực thực phẩm.
Trong số các loại làng nghề trên thì Thái Bình
nổi bật lên với một số sản phẩm thủ công chính: bạc Đồng Xâm, lụa làng Mẹo, chiếu
Hới, bánh cáy làng Nguyễn, làng vườn Thuận Vi.
1,
Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương)
Cách thành phố Thái Bình chừng 20 km về
phía đông, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm ở hữu ngạn dòng sông Đồng Giang,
làng Thượng Gia, tổng Đồng Xâm nay là xã Hồng Thái – Kiến Xương – Thái Bình.
Đồng Xâm mang nét đẹp từ tên gọi nhuốm màu sắc dã sử với những huyền thoại xung
quanh ngôi đền Đồng Xâm. Ngoài nghề chính là nghề nông làng còn có nghề chạm
bạc nổi tiếng từ lâu đời.
Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ
được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những
người thợ lớp trước như bộ lưu đỉnh bằng bạc, tranh xuân, hạ, thu, đông, tranh
tứ bình…xưa nay khách khách chơi hàng thủ công mỹ nghệ đều đánh giá thợ Đồng
Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm trổ tinh xảo, đường ve,
nét vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, có độ chênh bong cao, đáp
ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng khó tính nhất.
Nghề chạm bạc Đồng Xâm phát triển
mạnh nhất là vào nửa cuối thế ký XIX và những năm đầu thế kỷ XX, hàng chạm bạc
Đồng Xâm được xuất ra nước ngoài: Anh, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái
Lan, Lào…Hiện
nay với 150 cơ sở sản xuất, doanh thu từ hoạt động làng nghề ngày càng tăng,
năm sau cao hơn năm trước từ 5 – 7 tỷ
đồng (năm 2013 đạt 60 tỷ đồng). Nghệ nhân ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được
phân theo 2 cấp, nghệ nhân ưu tú cấp nhà nước có Ông Nguyễn Văn Ngoan – Chủ
tịch hiệp hội làng nghề Đồng Xâm và ông Phạm Văn Nhiêu – Phó chủ tịch hiệp hội;
nghệ nhân cấp hội kim hoàn có ông Nguyễn Hữu Vụ. Điều đặc biệt hơn nữa là cả
nước chỉ có 20 nghệ nhân ưu tú cấp nhà nước thì riêng làng nghề chạm bạc Đồng
Xâm có 2 nghệ nhân. Năm
2007 Hiệp hội làng nghề Việt Nam
phong tặng làng nghề Đồng Xâm danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam.
2.
Làng chiếu Hới (Tân Lễ, Hưng Hà)
Đi theo đường 39, qua cầu Triều Dương, gặp
làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà – quê hương của di tích đền Quang Trạng
và là làng nghề dệt chiếu Hới.
Trên quê hương Thái Bình có nhiều nơi dệt
chiếu bởi vùng đồng bằng này còn nhiều đồng cỏ xanh ngát nhưng chiếu làng Hới vẫn
nổi tiếng hơn. Chiếu Hới se, mềm, dễ giặt, mau khô, thoát nước nhanh. Chiếu Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu
đậu, chiếu trơn, chiếu cạp điều, chiếu đót, chiếu sợi xe... với nhiều kích cỡ
khác nhau.
Cứ đến ngày hội đền Quan Trạng, một cuộc
thi có ý nghĩa lại được tổ chức để chọn
lựa, khuyến khích trai tài gái sắc làm nên những lá chiếu vừa bền vừa đẹp. Trải
qua nhiều thế kỷ, nghề dệt chiếu vẫn gắn bó với cuộc sống nơi đây. Đến với làng
Hải Triều, du khách vừa được chiêm ngưỡng một kiến trúc văn hóa thời Nguyễn, vừa
được tìm hiểu về nghề dệt chiếu có từ lâu đời.
3,
Làng dệt lụa Phương Lac(Thái Phương, Hưng Hà)
Nghề dệt làng Mẹo có từ thế kỷ XIII gắn liền
với tên tuổi ông tổ nghề Trần Hồng Nghị. Một lần sang phương Bắc, ông đã tìm hiểu,
nắm được bí quyết dệt lụa của người Trung Hoa đem truyền cho dân làng. Từ đó lụa
làng Mẹo nhanh chóng có mặt ở khắp nơi, được coi là nơi cung cấp hàng dệt lụa nổi
tiếng cho các vương triều phong kiến từ nhà Trần tới nhà Lê Trung Hưng.
Kỹ thuật dệt lụa làng Mẹo trải qua 5 khâu cơ
bản là quay tơ, làm hồ, đánh suốt, mắc chỉ và dệt. Dệt là khâu cuối cùng và
quan trọng nhất đòi hỏi người dệt phải kết hợp các thao tác một cách nhịp nhàng,
khéo léo: chân đạp go, tay lao thoi và mắt theo dõi sự chuyển bận của các ống tơ.
Sản phẩm dệt làng Mẹo luôn được khách hàng ưa
chuộng bởi đó là thứ hàng đẹp, bền, mịn màng và phong phú về kiểu loại.
Ngoài ra ta có thể kể đến bánh cáy làng
Nguyễn, thêu Minh Lãng, làng vườn Thuận Vi...là những sản phẩm được nhiều người
biết tới bởi nét đặc trưng chỉ có ở Thái Bình.
Thúy Hường