Nhắc đến quà của mùa thu trước
hết phải kể đến cốm - món ăn giữ hồn mùa thu. Trên những nẻo phố phường vào mùa
thu, chẳng khó gì để bắt gặp một cô hàng bán cốm với chiếc thúng nhỏ và mớ lá
sen bày trên mẹt. Khi có khách mua, cô hàng khéo léo trải một lớp lá sen rồi
phủ thêm một lớp lá ráy non lên sau đó mới đổ cốm vào gói thành những gói vuông
vắn. Cuối cùng cô hàng cũng không quên lấy thêm cọng rơm nếp cột hờ để thức quà
mùa thu thêm ưa nhìn. Ăn miếng cốm tỉ mẩn như thế không chỉ cảm nhận được vị
ngọt của lúa non mà còn thấy mùi thơm
thanh tao, khó quên của lá sen.Mùa thu có lẽ rất đặc biệt bởi chuối là món quà
quê rất đỗi bình thường và quen thuộc nhưng khi vào mùa thu được kết hợp với cốm lại
trở thành đặc sản nhờ vị ngọt thơm của chuối với vị
bùi của cốm. Hai thứ quà giản dị của mùa thu kết thành một" sự ân ái nhịp
nhàng như trai gái xứng đôi". Và đương nhiên mùa thu không thể nào thiếu
những món quà mang tính biểu tượng cho trung thu như bánh nướng, bánh dẻo cùng
những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân được bày bán trên khắp các con phố. Nhìn những chiếc đèn ông sao xanh đỏ hay
chiếc bánh trung thu vuông vức, giản đơn, tự nhiên mới thấy những nét xưa
truyền thống vẫn đấy thôi, rất gần gũi, rất thân thương rất quen trong nhịp
sống hiện đại, hối hả.
Nét thu không chỉ gói trong món ăn, đồ uống mà còn là những thức hoa thơm
ngát như lộc vừng, hoa sữa hay hoàng lan. Lộc vừng và hoa sữa
có lẽ chẳng cần nói nhiều, bởi đến hẹn lại lên chúng lại đua nhau khoe sắc, đưa
mùi, tạo nên sắc màu rất riêng của trời thu miền bắc. Cái mùi hoa sữa xa thơm, gần nồng khiến lắm
người phải phàn nàn, thế mà đố ai đi xa trong một chiều gió lộng lại không bỗng
dưng nhớ, không thèm cái thứ mùi ấy đến nao lòng. Thanh tao, kín đáo,
ý nhị nhưng không thua kém phải kể đến hoàng lan hay còn gọi là móng rồng. Miền bắc vào thu có cả
tứ thứ khiến người ta mong đợi, để rồi khi bắt gặp chúng người ta có thể reo
lên rằng " Mùa thu đã về".
Nguyễn Lan