Với mỗi người dân đất Việt, thú chơi cây cảnh
ngày Tết đã trở thành nghệ thuật, nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Trong
không khí xuân rực rỡ, những bông hoa, cây cảnh đem đến cho người xem sức sống
rạo rực, cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe, tài lộc và may mắn.
Năm nào cũng vậy, từ ngày 20-12 (âm lịch) là
thị trường cây cảnh tại Thái Bình đã bắt đầu sôi động. Men theo các tuyến đường
lớn hay ghé thăm các “thủ phủ” chuyên cung cấp, buôn bán cây cảnh của thành phố
Thái Bình như: Công viên Kỳ Bá, làng quất xã Đông Hòa, Hoàng Diệu, làng hoa xã
Vũ Chính... mới cảm nhận hết được sự quan tâm đặc biệt của người dân đối với
mặt hàng này. Các loại cây như quất, bưởi, hoa lan, hay các loại hoa như thược
dược, hoa cúc, hoa hồng, cây kim tiền, cây phát lộc, cây kim ngân, cây hạnh
phúc,... là những loại mà được đông đảo du khách ghé thăm và chọn mua. Năm nay,
do diễn biến và ảnh hưởng dịch Covid nên mức giá cũng không dao động nhiều. Tuy
nhiên, nói về chất lượng và sự đa dạng, phong phú thì miễn chê.
Đặc biệt những năm gần đây, người dân có thú
chơi cây cảnh trong chum, hay trong chậu cảnh – đặc biệt là cây quất, bưởi. Mỗi
cây được trồng trong những chiếc chum rất đẹp với các hình thù, và kiểu cách
khác nhau: nào là trồng trong chum với chữ “Lộc”, “Tài”, “Phúc”, “Thọ”, hay
trong những hình thù của các con vật tượng trưng cho năm đó như năm 2021 là năm
Tân Sửu thì có chum hình con Trâu,... người
nào đến xem chơi Tết thấy cũng tấm tắc khen lạ, độc đáo. Hình ảnh chiếc Chum –
một trong những hình ảnh rất gần gũi với người dân Việt Nam ta – đặc biệt là
người dân vùng đồng bằng sông Hồng, nó là hồn Việt, là nền nông nghiệp lúa
nước, là lam lũ, là chất phác, là mộc mạc, là thắm đậm tình quê… Được hỏi để
trồng những cây trong chum hay chậu cảnh này người nông dân tốn nhiều công và
thời gian, ví dụ để ra được sản phẩm là cây quất chum thì những người làm quất
cảnh trong chum phải mất 3 năm từ lúc chăm sóc cây con ngoài đất, chuyển lên
chậu và tạo thế. Thường xuyên phải ra vườn kiểm tra độ ẩm của đất, chất dinh
dưỡng cho cây. Phải quan sát sự phát triển của cây qua từng ngày, từng tháng để
biết và điều chỉnh thêm bớt chất dinh dưỡng.
Truyền thống dân tộc Việt chúng ta bao đời vẫn
thế! Dù có hay không, nhà nào cũng sắm sửa cây quất, cành đào vui tết, đón
xuân. Cùng với đào, quất, tùy sở thích mỗi người, mỗi nhà sẽ mua thêm các loại
cây cảnh khác trang trí cho sắc xuân càng thắm đượm. Không chỉ có đào, quất,
mai hay các loại hoa lá trưng bày thông thường. Tết là thời điểm các loại cây
cảnh nghệ thuật, bonsai độc, lạ được “săn lùng” nhiều nhất. Một dáng đứng, một
điệu vươn của cây cũng đủ sức mê hoặc, dẫn dụ lòng người. Nếu đôi bàn tay của
người làm vườn khéo léo tạc nên dáng đứng, điệu vươn ấy thì người có thể hiểu,
đồng cảm cũng phải là người có kiến thức, tinh tế trong mắt nhìn.
Còn gì thi vị, tao nhã hơn khoảnh khắc được
tạm gác lại lo toan, phiền muộn để có thể thư thái, tự tại tận hưởng kỳ nghỉ lễ
bên gia đình, Tết đến, xuân về, người người nhà nhà hân hoan trong niềm vui đón
chào năm mới, hình thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, và cùng nhau
ngắm, thưởng những nét đẹp của người dân dịp Tết đến, Xuân về.
Phạm
Yến