Thái Bình nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, một vùng đất mới nhưng đất đai, dân cư Thái Bình đã hình thành phát triển cách đây khoảng 3000 năm. Nơi đây có một nền văn hóa, văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước đã sản sinh ra văn hóa dân gian. Với khoảng gần 500 lễ hội đã được khôi phục, duy trì, tổ chức thường xuyên hàng năm theo các loại hình như: hội lễ nông nghiệp, lịch sử, thi tài…Kèm theo đó là các trò chơi dân gian, những loại hình diễn xướng dân gian, múa dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống…
Dưới đây là một số làng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình:
* Làng Khuốc – Làng chèo nổi tiếng, là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có xem chèo Khuốc với anh thì về!
Làng Khuốc tên chữ là Cổ Khúc, thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng. Với lịch sử hàng ngàn năm, làng Khuốc là một làng văn hiến, đã được triều đình phong kiến ban tặng danh hiệu “Mĩ tục khả phong” và “Thuần phong mĩ tục”
Làng Khuốc xưa năm nào cũng mở hội với nhiều trò chơi như đánh gậy, đấu vật, chơi cờ…tối đến có đốt cây bông, múa rối nước, hát diễn chèo; sau này chỉ còn hát, diễn chèo. Hội làng là dịp các gành chèo trong làng thể hiện tài năng của mình trước dân làng và cũng là để thể nghiệm vở diễn để rồi sau hội làng đi biểu diễn ở các nơi….
Chèo Khuốc với ý nghĩa là một làng chèo nổi tiếng, một làng chèo cổ đã góp phần to lớn vào việc sưu tầm, nghiên cứu về nghệ thuật chèo, góp phần truyền nghề chèo cho nhiều thế hệ làm chèo ở trong và ngoài tỉnh, góp phần đào tạo bổ sung diễn viên, nhạc công cho các đoàn chèo ở nhiều tỉnh.
Làng Khuốc gắn bó với chèo, từng coi diễn chèo là mộ nghề kiếm sống nên thờ tổ nghề, hàng năm vào ngày 12 tháng 8 âm lịch thường làm lễ tổ chèo. Lịch sử làng Khuốc tuy có những lúc thăng trầm, có lúc tưởng như đã mất nhưng tỉnh Thái Bình luôn quan tâm cổ vũ, tạo điều kiện để lưu giữ vốn chèo cổ truyền thống.
* Làng Nguyễn – làng nghề truyền thống, nơi tập trung của nhiều phường hội rối nước dân gian
Làng Nguyễn thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng từ xa xưa đã nổi tiếng về những sản phẩm tiến vua như lụa Nguyễn, bánh cáy và nhiều sản phẩm khác từ sự chế biến khéo léo, tài tình của người làng Nguyễn. Làng Nguyễn nổi tiếng hơn cả về nhiều thứ bánh, kẹo như: kẹo lạc, bánh cáy – một thứ bánh được tiến vua.
Bánh cáy được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng, loại lúa đặc sản của quê hương. Lúa chỉ cấy mỗi năm một vụ, cấy vào vụ chiêm, thu hoạch vào vụ mùa. Gạo được ngâm, nấu thành xôi, để nguội, xôi được giã thành bánh dày. Xắt bánh dày thành miếng đem phơi khô, nhuộm màu rồi thái thành sợi. Những sợi bánh dày được đem rang cho phồng lên – đây là nguyên liệu chính của bánh cáy (dân thường gọi là cái – là mẹ).
Ngoài nguyên liệu chính, có các phụ gia, những thứ này cũng không kém phần quan trọng như bỏng nếp, đỗ lạc, vừng, gừng, thịt lợn, muối….Những phụ gia này được ví như con của cái.
Làng Nguyễn còn nổi tiếng về trò chơi, trò diễn dân gian, đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước và hát chèo. Phường rối nước Nguyên Xá là một trong những phường rối nước có lịch sử lâu nhất và mạnh nhất trong các phường rối nước ở nước ta. Theo các tài liệu lịch sử, nghệ thuật rối nước làng Nguyễn có từ thời Lê, thời kỳ làng Nguyễn đã phát triển về nhiều mặt trở thành một làng quê trù phú. Múa rối nước đi liền với các trò diễn là các lời ca, ngoài trò diễn lại có trích đoạn chèo bằng con rối nên người làng Nguyễn biết hát chèo, diễn chèo.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, rối nước làng Nguyễn không chỉ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân trong xã trong tỉnh mà còn vinh dự được biểu diễn cho chủ tịch Hồ Chí Minh xem, phục vụ cho nhiều đoàn khách nước ngoài, biểu diễn ở các nước Đông Âu, Nhật Bản…Hiện nay, phường rối nước làng Nguyễn đã xây dựng được nhà thủy đình, xây dựng được chỗ ngồi cho khách đến xem múa rối và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xem biểu diễn tại chỗ hoặc điều động đi biểu diễn ở bất cứ ở đâu.
Ngoài 2 làng văn hóa, làng nghề truyền thống trên, ở Thái Bình còn rất nhiều làng văn hóa đặc sắc khác như:
– Làng Keo (Duy Nhất, Vũ Thư) nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc.
– Làng Hới (Tân Lễ, Hưng Hà) nổi tiếng về nghề dệt chiếu.
– Làng Tống Vũ (An Vũ, Quỳnh Phụ) với nghệ thuật hát tuồng và tục kể vè.
– Làng Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương) với làng nghề chạm bạc nổi tiếng.
– Làng Thượng Liệt (Đông Tân, Đông Hưng) với múa giáo cờ, giáo quạt.
– Làng Quang Lang (Thụy Hải, Thái Thụy) – làng của những truyền thuyết và những trò chơi dân gian tối cổ.
– Làng Thuận Vi (Bách Thuận, Vũ Thư) – làng trồng dâu nuôi tằm, làng vườn nổi tiếng…
Những làng văn hóa, văn nghệ dân gian tại các vùng quê Thái Bình được giới thiệu ở trên không phải là tất cả, còn có nhiều làng quê khác tiêu biểu cho mảnh đất con người Thái Bình. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý giá, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa Thái Bình phát triển, thu hút đông đảo du khách đến những làng quê để trải nghiệm nền văn minh lúa nước, văn hóa làng xã. Chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ chính quyền và người dân tại mỗi làng xã, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch văn hóa, đưa du khách trải nghiệm văn hóa làng quê, ăn nghỉ, cùng sinh hoạt cộng đồng tại gia đình người dân nơi đây, tăng nguồn thu cho du lịch. Cần kết hợp loại hình du lịch văn hóa với các loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề…để tạo ra những tour du lịch khác nhau, thu hút đông đảo du khách từ khắp mọi miền về Thái Bình.