Chùa Keo Thái Bình (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) vốn được xem như một danh thắng độc đáo, kỳ vĩ và lễ hội chùa Keo xuân thu nhị kỳ có sức hấp dẫn, cuốn hút đông đảo du khách gần xa.
Từ xa xưa, chùa Keo đã nổi tiếng với 2 câu ca dao lưu truyền trong dân gian:
Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm
Nếu như hội xuân chùa Keo chỉ mở trong 1 ngày thì hội Thu chùa Keo ngày nay thường được tổ chức trong 6 ngày, từ mùng 10/9 – 15/9 âm lịch, trong đó chính hội từ 13/9 – 15/9 âm lịch với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian khác nhau. Điều đặc biệt trong lễ hội chùa Keo mùa thu năm nay là dịp kỷ niệm 1000 năm ngày sinh của Đức Thánh Dương Không Lộ và đề nghị công nhận Lễ hội Chùa Keo là di sản phi vật thể Quốc gia. Các lễ thức trong ba ngày hội chính tháng 9 vừa mang tính chất hội lễ nông nghiệp, thi tài vừa mang tính chất của hội lịch sử. Nhiều lễ tiết trong hội Thu làng Keo mang tính tôn giáo lại đậm đà sắc thái của những sinh hoạt văn hoá dân gian Thái Bình (diễn xướng, thi cúng, thi thổi kèn, thi đánh trống, thi bơi trải…).
Sáng 14/9 âm lịch, hội chùa Keo kỷ niệm ngày sinh Thiền Sư Dương Không Lộ (1016) với một đám rước khổng lồ có hàng trăm người tham gia với nghi thức rước Thánh lên kinh đô chữa bệnh cho nhà vua và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Buổi sáng rước từ tòa thượng điện qua tam quan ngoại ra bờ sông, tối lại rước về theo hình chữ á khép kín gọi là xuất á, nhập á.
Đi đầu là 2 cỗ ngựa; tiếp theo 8 người vác cờ thần; 42 người mang vác đồ tế khí, bát biểu; 4 người khênh giá thuyền rồng sơn son thiếp vàng tượng trưng cho thuyền của Dương Không lộ lên kinh chữa bệnh cho vua; tiếp đến 4 người khiêng giá tiểu đĩnh, trên giá đặt chiếc thuyền con (dân gian gọi thuyền vỏ trấu hay thuyền cò – tượng trưng thuyền đánh cá của Dương Không Lộ thuở hàn vi); đi sau tiểu đĩnh là phường bát âm rồi đến 8 em bé mục đồng. 12 người khênh kiệu Thánh là những trai đinh vạm vỡ, mình trần, khố đỏ, đầu đội mũ võ…
Chùa Keo Thái Bình là một di sản văn hoá vật thể điển hình trên dòng chảy lịch sử, kiến trúc Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Thái Bình.
(Bài viết có sử dụng tài liệu trong cuốn sách: Lễ hội truyền thống ở Thái Bình, tác giả Nguyễn Thanh)
Thúy Hường