Nghề làm bún truyền thống ở xã Vũ Hội, thành phố Thái Bình đã có từ lâu, ban đầu chỉ là một nghề phụ trong những ngày nông nhàn. Theo thời gian, nghề làm bún dần khẳng định chỗ đứng, đem lại thu nhập, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn người dân.
Từ xã thuần nông, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Vũ Hội ( Vũ Thư) đã có những đổi thay ngoạn mục. Giá trị sản xuất từ ngành nghề TTCN chiếm 55% cơ cấu kinh tế, (nông nghiệp 25%, dịch vụ thương mại 20%). Toàn xã có 42 cơ sở sản xuất, trong đó 11 cơ sở sản xuất bún miến công suất 1-1,8 tấn/ngày. Nghề làm bún có từ xa xưa, cha truyền con nối. Thời ông bà xưa, nghề làm bún không chỉ khó nhọc còn rất công phu. Từ khâu đầu tiên (kén gạo) đến khâu cuối cùng (bắt sợi bún thành con bún) trải qua 13 công đoạn trong thời gian khoảng 7 ngày. Bí quyết tài tình là giữ bún không chua (mùa đông có thể để bún trong 2 ngày, mùa hè để 1 ngày). Ai cũng biết chỉ cần ngâm bột thật kỹ, thay nước nhiều lần, mùa hè tối thiểu ngâm gạo 3 ngày, mùa đông 7 ngày, kỹ hơn là ngâm bột nửa tháng, nhưng không phải gia đình nào cũng làm ra sợi bún có đủ tiêu chuẩn “thơm, mát dẻo, giòn”.
Bây giờ, máy móc thay thế những khâu nặng nhọc, rút ngắn thời gian, tăng năng suất gấp 10-20 lần làm bún thủ công, nhưng về cơ bản vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn. Nhìn đôi tay bắt bún thoăn thoắt của họ, phần nào cho chúng tôi cảm nhận sự công phu của sợi bún dẻo thơm, chế từ hạt gạo cõng bao sương nắng. Mỗi ngày Vũ Hội sử dụng khoảng trên 2 tấn gạo chế biến bún, quanh năm số gạo sử dụng làm nghề tới 600- 700 tấn- một con số không hề nhỏ. Tận dụng phụ phẩm thừa từ làm bún, làm đậu, nấu rượu, những năm trước, chăn nuôi ở Vũ Hội khá phát triển . Chẳng có thứ quà nào từ bún có thể chế ra nhiều món đến thế: bún chả, bún nem, bún thang, bún ốc, bún riêu cua, bún ngan, bún vịt, bún măng, bún sườn, bún cá, bún bò, giò heo, bún mắm tôm…
Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một hướng đi đúng đắn mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người dân và nền kinh tế địa phương mà còn góp phần duy trì, bảo đảm sự phát triển bền vững của một làng nghề truyền thống.