Bánh Nghệ có tự bao giờ không một ai biết, chỉ biết rằng nó có từ rất lâu rồi và chỉ có tại quê lúa Thái Bình. Tại làng Phú Cốc, xã Nam Bình, Kiến Xương, vào mỗi buổi chợ phiên, món bánh dân dã này lại thu hút đông đảo thực khách.
Món ăn tuy mộc mạc, dân dã nhưng từ lâu đã trở thành món quà quê đặc sản, nức tiếng xa gần và sẽ thật là thiếu sót nếu đến đây mà bạn không một lần thưởng thức bánh mướt, món ăn truyền thống gắn bó lâu đời với người dân quê lúa.
Nguyên liệu chính làm nên món bánh Nghệ chính là gạo tẻ và nghệ vàng tạo nên màu bánh vàng ruộm, thơm nức mùi gạo kết hợp với nhân bánh ngon tuyệt. Nhân bánh được làm từ nước mắm, mỡ nước, tóp mỡ, thịt, hành khô và hạt tiêu.
Bánh có hình thoi hoặc tròn, tùy người nặn bánh. Khi ăn bánh Nghệ bạn sẽ cảm nhận ngay được hương thơm của đất trời, thoang thoảng hương thơm của nghệ, bùi dẻo của gạo tẻ, vị ngậy béo của thịt, mỡ và hành khô. Ăn xong bánh, cái dư vị quê hương vẫn còn quyện vào nơi đầu lưỡi.
Món bánh dân dã là thế nhưng để làm ra chiếc bánh Nghệ vàng óng, thơm ngon thì không hề đơn giản chút nào. Theo các cụ trong làng chia sẻ: “Muốn bánh có màu vàng tươi, phải chọn nghệ già, rửa sạch, rồi luộc chín vừa, giã lấy nước, sau đó mới nhào với bột gạo. Có như vậy bánh với có màu ưng ý, mùi thơm đặc biệt và không có mùi hăng của nghệ.
Gạo làm bánh là gạo tẻ, không phải gạo nếp như nhiều loại bánh khác, gạo được chọn phải là gạo Thái Bình, ngâm cho vừa đủ dẻo, rồi nghiền thành bột. Bột phải ba phần ướt một phần khô, có như vậy bánh mới dẻo, không bị dính vào nhau và dễ ăn. Tiếp theo là công đoạn xôi bột, đây cũng là công đoạn khó nhất, xôi phải lên được hơi, việc này không phải ai cũng làm được.
Sau khi bột chín dùng tay nhào lặn cho thật kỹ lúc bột còn nóng, người làm bánh phải khéo léo nặn nhân đã làm sẵn vào bột nóng. Các công đoạn cũng mất đến 4 tiếng. Sáng hôm sau, dậy sớm bắc nồi bánh lên bếp hấp từ 1,5 giờ đến 2 giờ rồi mang ra chợ bán.”
Bình dân, dung dị là thế nhưng khi nhắc đến món ăn này, mỗi người xa xứ đều không khỏi xuýt xoa, bồi hồi.