Chùa Keo là Di tích Quốc gia đặc biệt thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thờ Quốc sư Dương Không Lộ. Chùa vốn được dựng từ thời Lý, đến năm 1630 được xây dựng lại.Trải qua hơn 400 năm, chùa Keo vẫn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ và hiện được coi là 1 trong 3 ngôi chùa gỗ cổ đặc biệt trong số 10 kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam và là ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc gỗ lớn nhất toàn quốc.
Toàn bộ các công trình đều được chạm khắc tinh sảo, đặc biệt là bộ cánh cửa tam ngoại được coi là tác phẩm điêu khắc gỗ độc nhất vô nhị. Gác chuông cao chất ngất 3 tầng với lối kiến trúc hào hoa, xưa nay vẫn được xem là một trong những biểu tượng của nền văn hóa, văn minh sông Hồng. Với ý nghĩa to lớn đó Chùa Keo được xếp đứng đầu trong 144 di tích văn hoá – lịch sử ở Thái Bình, và đựơc tỉnh rất chú trọng đầu tư giữ gìn và phát triển du lịch.
Về giá trị lịch sử: Sự tích Không Lộ đã phản ánh một thời kỳ phát triển của Phật giáo ở Việt Nam, góp phần giải thích tại sao đạo Phật ở thời Lý lại trở thành Quốc giáo. Vì thế cuộc đời Ông đã trở thành đề tài hấp dẫn cho một loạt những truyền thuyết dân gian ra đời và thu hút hàng vạn du khách thập phương đến thăm viếng chùa Keo. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch Chùa Keo nói riêng và Thái Bình nói chung.
Về giá trị thẩm mỹ: Di tích Chùa Keo được coi là 1 trong 3 ngôi chùa đặc biệt trong số 10 kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam chính bởi quy mô và nghệ thuật kiến trúc của nó. Trí tuệ và tài năng của nhứng nghệ sỹ điêu khắc, kiến trúc thời Lý lại một lần nữa được khẳng định tại nơi này. Bởi vậy nên Chùa Keo được coi là biểu tượng của quê hương Thái Bình. Chưa đến Chùa Keo coi như chưa biết Thái Bình.
Về lễ hội: Thái Bình có hệ thống lễ hội phong phú: lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử… diễn ra quanh năm nhất là vào mùa xuân. Trong đó hội Chùa Keo được coi là tiêu biểu nhất cho đời sống văn hoá và tâm linh của người dân Thái Bình – nếp sống của cư dân nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ. Nếu hội Xuân là hội lễ nông nghiệp, hội thi tài thì hội Thu ngoài tính chất là hội thi tài còn là hội lịch sử, hội văn nghệ. Nhiều lễ tiết trong hội Thu làng Keo mang tính tôn giáo lại đậm đà sắc thái của những sinh hoạt văn hoá dân gian Thái Bình (diễn xướng, thi cúng, thi thổi kèn, thi đánh trống, thi bơi trải…). Đây được coi là hội lớn nhất, nổi tiếng cả vùng, thu hút hàng vạn du khách từ khắp nơi đổ về:
Dù cho cha đánh mẹ treo
Em cũng không bỏ hội Keo hôm rằm
Chùa Keo Thái Bình là một di sản văn hoá vật thể điển hình trên dòng chảy lịch sử, kiến trúc Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Mỗi lần đến thăm Chùa và đắm mình trong không gian thanh tịnh, nghe tiếng chuông chùa buông ngân như quyện hồn ai rồi lan xa, rất xa và bước vào không gian thánh thiện, sinh lòng thanh tao quy về cõi bình an. Có lẽ lúc ấy ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp độc đáo của Chùa Keo qua bàn tay kỳ diệu của người xưa và vẻ đẹp tâm linh của dòng Phật giáo dân tộc luôn hướng con người trôi theo dòng bản sắc để yêu hơn miền đất êm đềm này.
Thúy Hường