Search by category:
Tin tức

Văn hoá làng ở Thái Bình

    Dân cư của Thái Bình chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp, nên bao đời vẫn sinh sống ở nông thôn, quây quần trong các làng, xã, chính vì thế nền văn hoá Thái Bình cũng mang đậm chất văn hoá làng quê.

Trong làng có các dòng họ và đây là yếu tố trực tiếp cấu thành văn hoá làng. Mỗi làng có từ 10 đến 12 dòng họ cùng sinh sống, phổ biến nhất là các dòng họ Nguyễn, Lê, Trần… Tính chung có khoảng 100 tên gọi các dòng họ, nhưng số chi phái còn nhiều hơn nữa. Trong làng thường có một vài họ, có số lượng người vượt trội so với các họ còn lại, nên được con là họ lớn, có vai vế trong làng. Hôn nhân thường theo xu hướng lấy người trong làng khác họ, quan hệ họ hàng, vì thế giao thoa chằng chịt. Mối quan hệ giữ dòng họ này với dòng họ kia thường được xem xét bằng mối quan hệ đan xen từ những thành viên trong họ, do vậy những mâu thuẫn nảy sinh thường được giải quyết nội bộ. Quan hệ giữa người làng với nhau gắn trong các mối quan hệ cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh nên đã tạo nên nguyên lý bền chặt theo tâm thức “một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Trong mỗi làng đều có hương ước, đó là những tục lệ thành văn hoặc bất thành văn gồm đầy đủ các quy định về mọi lĩnh vực, như cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng, về văn hoá, giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng, trật tự an ninh, được xem như bộ luật tục của làng quy định mọi người trong làng phải thực hiện và được coi là một công cụ duy trì và điều chỉnh sự phát triển của văn hoá làng. Hương ước thành văn có loại được viết trên giấy hàng năm đọc trước làng để duy trì, bổ sung, sửa đổi còn có loại được khắc trên bia đá hoặc chuông đồng để lưu truyền. Còn mỗi dòng họ có tộc ước, đó là nhưng quy ước được ghi trong gia phả hoặc truyền miệng quy ước để bảo đảm trật tự, kỷ cương, truyền thống dòng họ, nghi thức tế lễ tổ tiên.

Từ xa xưa, vùng nông thôn ở Thái Bình cũng hình thành được một hệ thống chợ, nó không chỉ là nơi để mua bán, trao đổi hàng hoá giữa mọi người trong làng mà còn với người trong làng với người làng khác, giữa vùng này với vùng khác. Chợ thường được đặt ở trung tâm làng, tên chợ thường trùng với tên làng như: chợ Tò, Mét, Gú, Hồ, Cầu, Phố… Các chợ trong vùng liên kết với nhau thành hệ thống, trong khoảng cách từ 3 đến 5km, ngày nào cũng có chợ phiên của làng để những người buôn thúng, bán mẹt có thể làm ăn quanh năm chạy chợ. Những chợ nhỏ thường chia thành chợ sáng, chợ chiều. Mỗi ngày chợ họp khoảng vài tiếng đồng hồ, người đi chợ ít, hàng hoá không nhiều, thường hình thành ở những làng ven biển  làm nghề chài lưới. Ở những làng lớn, chợ thường họp theo phiên vào ngày cố định trong tháng, mỗi tháng có từ 6 đến 12 phiên chợ. Các làng có chợ tự quyết định thời gian họp sao cho không trùng với ngày họp của các làng lân cận. Chợ lớn thường có tường xây, mái ngói bán cả gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn gà. Còn chợ nhở thường là các mái rạ, lều tranh, ngày phiên cũng có cả gia cầm và hàng xén. Mặt hàng truyền thống của mỗi chợ  đều gắn với đặc thù sản xuất và nghề thủ công của từng làng, từng vùng: Chợ vùng trồng cói có chiếu và mặt hàng chế biến từ đay, cói; vùng ven biển có tôm, cua, cá biển; chợ làng rèn có sản phẩm, công cụ từ nghề rèn, nghề đúc. Do vậy, quá trình giao lưu giữa các vùng qua những phiên chợ là một nhu cầu tất yếu.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, tốc độ đô thị hoá diễn ra chóng vánh, nét văn hoá làng quê ở Thái Bình cũng có những thay đổi khá rõ nét. Mối quan hệ chằng chịt, ràng buộc không chỉ tồn tại giữa các họ trong làng, mà mở rộng ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Các hủ tục, lễ nghi phức tạp trong làng bị xoá bỏ, thay vào đó nhiều làng bắt tay vào xây dựng hương ước, quy ước, định hướng cho người dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hoá. Trong các dòng họ, tôn ti trật tự không còn bị tuyệt đối hoá mà được xét ở góc độ bình đẳng, cùng hỗ trợ nhau tiến bộ. Nhiều dòng họ thành lập quỹ khuyến học, cứ đến ngày giỗ tổ quây quần tụ tập làm lễ báo công với tổ tiên và khen thưởng những con em học hành đỗ đạt thành tài, đăng ký xây dựng dòng họ không ma tuý, không mắc tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3… Và cũng do kinh tế phát triển, giao lưu buôn bán của người dân không chỉ bó hẹp trong các chợ nông thôn, với những mặt hàng tự cung, tự cấp mà đã mở rộng thành cả một hệ thống đại lý bán hàng từ thành thị đến nông thôn. Các chợ vẫn còn, đến ngày phiên vẫn họp, nhưng được đầu tư xây dựng nâng cấp khang trang, không còn cảnh lều lá, cảnh buôn thúng bán mẹt mà hàng hoá nhiều đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thời gian cứ trôi đi, nó mang theo những gì con người cho là quá khứ, nhưng có lẽ mỗi người Việt Nam nói chung, người Thái Bình nói riêng nếu đã từng sinh ra lớn lên ở làng quê dù có đi đâu, đến đâu thì nét văn hoá làng với những đặc trưng vốn có của nơi chôn rau cắt rốn vẫn ăn sâu vào tiềm thức khó có thể nào quên.

 

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status