Search by category:
Tin tức

Khu di tích lịch sử đền thờ các vi Vua Trần – niềm tự hào cuả người dân Thái Bình

    Đền Trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường Tiến Đức (Hưng Hà – Thái Bình) đất phát tích và hưng nghiệp của vương triều Trần. Nhà Trần đã chọn Tam đường, nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm Tôn miếu để đặt lăng tẩm các vị vua đầu triều. Khu di tích lịch sử đền thờ các vi Vua Trần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; lễ hội đền Trần được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông hung hãn bậc nhất thời đó .         

Trong cả ba cuộc kháng chiến đó, sau thành Thăng Long, mảnh đất Long Hưng – Ngự Thiền đều là nơi nhà Trần chọn làm hậu cứ để xuất nhập thần kỳ. Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần đã sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Linh từ  Quốc mẫu Trần Thị Dung, Trần Hưng Đạo…

Cũng tại đây chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại gắn liền với vương triều Trần như đại lễ bái yết tổ tiên và ăn mừng chiến thắng quân Nguyên – Mông lần thứ ba (17 tháng 3 năm 1288). Chính trong cuộc lễ lớn này, Vua Trần Nhân Tông đọc 2 câu thơ bất hủ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn Hà thiên cổ điện kim âu”

(Đất nước hai phen chồn ngựa đá / Non sông ngàn thuở vững âu vàng).

Mùa hạ 1312 vua Trần Minh Tông đi tuần thú biên giới phía Nam về, cũng làm lễ báo tiệp tại lăng các tiên đế tại Thái Đường Phủ Long Hưng.

Tháng 11 – 1390 với chiến thắng của Trần Khát Chân tại cửa Hải Thị – Ngự Thiên giết được vua Chiêm là Chế  Bồng Nga, Vua Trần Thuận Tông cũng về Long Hưng bái yết để dâng công chiến thắng lên tổ tiên.

Đặc biệt mảnh đất Tam Đường linh thiêng hiện lưu giữ hài cốt của các bậc tổ tiên triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng hoàng Trần Thừa… Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà, trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ.

Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dự Lăng, Quy Đức Lăng. Trong 4 vị hoàng hậu thì 2 vị được ghi rõ là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu (vợ vua Trần Nhân Tông), Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu (em gái Khâm Từ). Hai vị còn lại khả năng là Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu (vợ vua Trần Thái Tông) và Nguyên Thánh Thiện Bảo Hoàng Thái Hậu (vua Trần Thánh Tông). Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị trong các di tích về thời đại nhà Trần trong cả nước.

Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.

Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc – kiến trúc đình làng. Riêng Toà hậu cung đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

Lễ hội đền Trần Thái Bình khai hội vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn thời Trần. Lễ hội Đền Trần Thái Bình được tổ chức rất trọng thể, từ ngày 13 đến 18 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm. Sau phần lễ là phần hội với các trò vui như: Rước kiệu, thi cỗ cá, đấu võ, thi thả diều, thi phao đất, thi vật cầu…Thi cỗ cá (thi cá Trắm luộc) là nét độc đáo đã có từ xưa trong lễ hội làng Tam Đường, ở hành cung nhà Trần (nay là Khu di tích đền Trần). Theo các cụ già làng, thì tập tục này được tổ chức là để mọi nười nhớ tới thuở hàn vi tổ tiên nhà Trần sống bằng nghề đánh cá và thường ghép mình với cái tên cá: Trần Kình là cá Kình, Trần Hấp là cá Trắm, Trần Lý là cá Chép; Trần Thừa là cá Nheo, Trần Thị Dung là cá Ngừ… Tam Đường xưa có ba thôn, trước ngày thi cá Trắm, các giáp ở mỗi thôn đều tổ chức thi cá và chọn ra một giáp đứng đầu thôn. Ba giáp đại diện cho ba thôn thi cá, giáp nào chiếm giải nhất thì mới được đưa vào cúng ở đền thờ các vua. Cá Trắm được luộc rồiđặt trên chiếc mâm đồng, hình chữ nhật có trải vải điều. Giáp nào được giải Nhất thì nhân dân thôn đó vui mừng tổ chức đón giải và hy vọng năm mới làm ăn phát đạt, mọi người khỏe mạnh…

Thúy Hường

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status