Lễ hội được coi là một trong những giá trị văn hoá đặc sắc mà ở đó thể hiện rất rõ bản sắc dân tộc, tinh thần cộng đồng. Ngày nay, nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú, sinh động hơn. Du khách cũng thường tìm đến các lễ hội để được tham gia và tìm hiểu qua sự cảm nhận của chính bản thân mình.
Lễ hội truyền thống Thái Bình thường được tổ chức gắn liền với các di tích lịch sử – văn hoá và ở đó có nhiều trò chơi, thi tài, các hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian độc đáo có nguồn gốc khác nhau như: trò múa ông Đùng bà Đà cổ xưa gắn liền với nghi lễ phồn thực sơ khai của một làng ven biển, một hội làng duy trì tục đánh Hổ (đánh Bệt hay múa Bệt) có nghi thức xa lạ đối với vùng duyên hải. Mỗi lễ hội lại mang một sắc thái văn hoá riêng, thu hút đông đảo du khách từ thập phương tới trẩy hội và tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử – văn hóa gắn với lễ hội đó.
Lễ hội truyền thống nói chung và ở Thái Bình nói riêng khi được nghiên cứu thường được phân theo các tiêu chí khác nhau: theo mùa, theo nội dung (lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử, lễ hội làng nghề,..). Nhưng về cơ bản, lễ hội ởThái Bình phản ánh theo bốn xu hướng sau:
– Lễ hội nhằm tái hiện cuộc sống nhà nông.
– Lễ hội tôn vinh các anh hùng dân tộc, những người có công với làng xã quê hương.
– Lễ hội tái hiện phong tục, tín ngưỡng.
– Lễ hội thi tài, vui chơi giải trí.
Trong các xu hướng trên thì lễ hội gắn với nông nghiệp được coi là chủ yếu, thể hiện nhiều hình thức, tập tục khác nhau: thờ lúa gạo (Tiền Hải). Hội đền Sáo Đền (VũThư) có các trò thi mang sắc thái nông nghiệp như thi bắt vịt, thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi bắt chạch…Hội chùa Keo, đền đồng Xâm có rước nước, cầu mưa. Một số lễ hội có sự kết hợp của nhiều nội dung, xu hướng nên sự phân loại chỉ mang tính chất tương đối.
Thái Bình là một trong những nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài và những người có công. Họ có thể là người con của đất Thái Bình mà cũng có thể dừng chân lại nơi đây nhưng tấm lòng tôn kính của người dân vẫn luôn tưởng nhớ về họ như: Bát Nạn tướng quân, Lí Nam Đế, Trần Hưng Đạo, quốc sư Không Lộ…
Hiện nay, có 493 lễ hội ở Thái Bình được khôi phục, duy trì, tổ chức thường xuyên hàng năm. Trong đó có 442 lễ hội thuộc loại hình dân gian, 58 lễ hội thuộc loại hình tôn giáo, 3 lễ hội thuộc loại hình lễ hội văn hóa du lịch (lễ hội đền Đồng Xâm, lễ hội đền Tiên La, lễ hội Đền Trần) còn lại là các lễ hội thuộc loại hình lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội làng nghề.
Du lịch Thái Bình tuy là một ngành còn non trẻ, đang ở thời kỳ ban đầu của sự phát triển. Tuy nhiên dựa vào nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa – tâm linh phong phú, số lượng du khách đến với Thái Bình đã có những dấu hiệu khả quan. Số lượng du khách tăng dần trong những năm gần đây, tỷ lệ tăng bình quân là 17%; Năm 2006 số lượng khách là 257.000 lượt người, trong đó khách quốc tế là 3.400 lượt người; đến năm 2012 số lượng khách là: 525.000 lượt người, trong đó khách quốc tế 8.900 lượt người. Doanh thu từ du lịch trong những năm gần đây tăng 19%; năm 2006 đạt 67 tỷ đồng, đến năm 2012 đạt 172 tỷ đồng. Đặc biệt tổng lượt khách du lịch trong năm 2013 ước đạt 603.000 lượt người, trong đó có gần 5.300 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu ước đạt 193 tỷ đồng.
Trong thời gian tới Thái Bình cần tập trung hướng khai thác những loại hình du lịch mang bản sắc riêng của tỉnh, như là du lịch gắn liền với các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch làng quê, làng nghề.