Search by category:
Tin tức

Truyền thuyết về Đền Đợi

    Đền Đợi thuộc thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền Đợi nằm ở phía Đông của tình Thái Bình cách Thành Phố Thái Bình khoảng 17 km, từ trung tâm TP Thái Bình theo quốc lộ 10 hướng đi Hải Phòng. Di tích nằm ở một khu đất riêng biệt ngay vị trí đầu làng, giao thông thuận lợi.


Theo các cao niên trong làng kể lại thời vua Hùng thứ 18 hiệu là Duệ Vương tại động Lăng Xương, đất Châu Thành, đạo Hưng Hóa, xứ Sơn Tây có 2 anh em nhà họ Nguyễn. Người anh tên là Nguyễn Cao Hành, vợ là Đinh Thị Đen, người em là Nguyễn Cao Khang, vợ là Bùi Thị Hương. Tuy tuổi đã cao nhưng 2 anh em nhà họ Nguyễn chưa có con để nối dõi. Một hôm 2 phu nhân rủ nhau lên Tản Viên sơn kiếm củi, khi 2 chị em đi tới phiến đá to, 2 chị em bỗng thấy rồng vàng từ trên trời rơi xuống, mây lành bao phủ, rồng vàng phun nước như mưa, khí thiêng lan tỏa. Khi rồng bay đi, 2 chị em dâu thấy hương bay ngào ngạt, nước giếng trong như ngọc, 2 chị em liền xuống tắm rồi mang thai từ đấy. Đến ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, giữa giờ Thìn cả 2 phu nhân đều trở dạ. Người chị sinh ra 1 cậu con trai, người em sinh ra 1 cái bọc nở ra 2 cậu con trai. Cả 3 đều khôi ngô, tuấn tú. Sau 100 ngày, 2 chị em dâu đặt tên cho con mình là Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Quý. Khi 3 anh em được 6 tháng tuổi thì mồ côi cha mẹ, 3 anh em gặp được bà Ma Thị Thái Vỹ – Cao Sơn Thần Nữ tức bà chúa Thượng ngàn nhận làm con nuôi. Khi 3 anh em 12 tuổi, họ theo học Lý Đường tiên sinh, cả 3 đều được Thái Bạch Kim Tinh ban cho gậy đầu sinh đầu tử tức gậy trúc thượng võ. Ba anh em được Long Vương Thủy Tề tặng cho cuốn sách ước, Thần thư bí pháp quyền để làm ra nhiều phép lạ cứu dân độ thế. Cả 3 anh em đều trở thành người đức độ tài cao, thần thông biến hóa và trở thành vị thần thánh của núi Tản. Tương truyền vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, có Thục Chế là cháu họ vua Hùng làm tướng ở bộ lạc tây vu nước Lào ngày nay, đã cho con trai của mình là Thục Phán sang cướp nước Văn Lang. Nghe tin này vua Hùng cho gọi 3 anh em thánh Tản vào triều để dâng kế đánh giặc. Nguyễn Quý được vua Hùng phong chức Tả Đô đốc Nguyên Súy tướng quân tiến đánh thủy đạo qua cửa Hải Khẩu thần phù tức cửa biển ngày nay. Khi Nguyễn Quý dẫn quân qua trang Dụ Đợi, ông dừng lại đóng quân tại đó, ông thấy nơi đất này là đất trụ huyệt, có long chầu hổ phục. Ông truyền cho quân lính và nhân dân Dụ Đợi lập đền thờ người mẹ đã có công nuôi dưỡng mình từ tấm bé và tiếp tục xuất quân đánh giặc. Trước khi xuất quân đánh giặc ông thắp hương trước vòng linh người mẹ và nói rằng : “Thân mẫu hãy đợi con thắng trận trở về”. Đền Mẫu Đợi có tên từ đó. Sau khi thắng giặc, ông trở về Đền Đợi tạ ơn Thân mẫu, đồng thời mở tiệc xướng ca ăn mừng thắng trận, sau đó ngài hóa thân về trời cùng với Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và chúa Liễu Hạnh. Với công lao của ông và mẹ ông, vua Hùng đã phong cho ông là Quý Minh Đại Vương chức Khâm Thiên giám sát, phong cho mẹ ông là Quốc mẫu và phong cho Đền Mẫu Đợi là Chính Từ được liệt vào hàng Xuân Thu quốc tế mở hội vào tháng 04 âm lịch hàng năm. 



Các cao niên còn kể Thần tích về Thông Sưởng đại vương: Thời Hùng vương thứ 18, ở đất Hải Dương có một gia đình chồng là Trần Dực, vợ là Phạm Thị Hoàn. Gia đình rất giàu có  nhưng tuổi đã cao mà không có con. Ông bà bèn giao hết gia sản cho anh em để cứu giúp người nghèo rồi hai vợ chồng dắt nhau đi tha phương cầu thực. Khi đến trang Dụ Đại thấy phong tục ở đây thuần hậu, đất đai màu mỡ hai ông bà quyết định dừng lại ở đây cùng nhân dân khai khẩn đất hoang, cấy lúa trông dâu nuôi tằm…Năm bà 38 tuổi đã hết hy vọng có con nhưng một hôm bà nằm mơ thấy có người đem đến cho con chim Khổng Tước, sau đó bà có thai. Đến ngày 4 tháng giêng năm Kỷ Mùi, bà sinh được một người con trai tuấn tú, tướng mạo thông minh khác người. Ông bà đặt tên con là Trần Sưởng, 16 tuổi Sưởng đã thông thạo kinh thư, binh pháp, lại có tài hô mưa gọi gió… Lúc bấy giờ thiên tai dịch họa liên tiếp xảy ra, chỉ có trang Dụ Đại mọi việc vẫn diễn ra yên ổn. Nhân dân trong vùng thấy vậy bèn tâu lên quan huyện, quan huyện cầu mời Sưởng công giúp. Sưởng công thiết lập đàn tràng cầu đảo thiên giúp đỡ. Vài ngày sau bệnh tật lui khỏi, nhân dân trở lại cuộc sống yên bình. Quan huyện thấy việc cầu đảo như thần liền viết sớ lên triều đình xin ban thưởng cho Sưởng công. Nhà vua truyền cho Sở công về triều Vua thấy ông tài năng xuất chúng phong cho làm Khâm thiên giám sát đô đại thành hoàng, phong làm sinh thần trang Dụ Đại.

          Trở về làng Đợi ông bái yết cha mẹ và mở tiệc khao dân làng trong suốt ba ngày. Ông cho xây dựng đình chung làm chốn công đường. Một thời gian sau mẹ ông qua đời, ông cùng nhân dân Dụ Đại làm lễ ninh táng rồi viết sớ xin với nhà vua thụ tang mẹ 3 năm. Sáu tháng sau giặc phương Bắc đem quân tiến đánh nước ta, nhà vua gọi ông về triều phong làm Chưởng lĩnh thủy đạo tả đốc nguyên súy tướng quân. Nhà vua giao cho ông cùng Quý Minh đại vương đem quân đánh giặc ở cửa Thần Phù hải khẩu. Giặc tan ông cùng Quý Minh đại vương đem quân về trang Dụ Đại, vừa đến chốn đình thì mây đen ầm ầm kéo đến ông Sưởng hóa ngay về trời. Hôm đó là ngày mùng 1 tháng 11 âm lịch. Quý Minh đại vương ra lệnh cho quân lính và dân làng làm lễ ninh táng và tạc tượng lập đình phụng sự ông.

Đền Đợi  thờ ba nhân vật là: Thánh Mẫu Ma Thị Thái, Quý Minh đại vương, Thông Sưởng đại vương. Trong đền hiện còn lưu giữ được 12 sắc phong này bổ sung cho thần tích, cung cấp mỹ tự của các vị thần, góp phần xác định tên gọi của làng Đợi – trang Dụ Đại qua các thời kỳ lịch sử.

 

 

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status