Thời gian qua, các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành nước ta nói chung và Thái Bình nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản, người lao động mất việc làm. Mặc dù, có nhiều giải pháp khắc phục, nhưng cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 tác động lên hầu hết các mặt của đời sống, trong đó ngành du lịch dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Thái Bình giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành. Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch năm 2020 của Thái Bình ước đạt 453.300 lượt, tổng doanh thu đạt 180 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp không chỉ kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận tải khách du lịch phải cắt giảm hoạt động với công suất rất thấp, nguồn tài chính khó khăn, buộc phải cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ không lương hoặc chấm dứt hợp đồng, có nhiều lao động thôi việc chuyển sang ngành khác, nhất là lao động chất lượng cao.
Theo Tổng cục Du lịch, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành du lịch; một số nhiệm vụ quan trọng năm 2020 vừa qua phải điều chỉnh, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai kế hoạch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách để chủ động đề xuất các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, báo cáo Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Giải quyết các vấn đề cấp bách như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ, nhất là hỗ trợ về việc làm. Ngành du lịch phối hợp các bộ, ngành chức năng và các doanh nghiệp tăng cường hoạt động kích cầu du lịch thông qua chất lượng dịch vụ, thủ tục xuất nhập cảnh, giá tua.
Với tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, tỷ lệ biến chủng lây nhiễm cao, cùng với đó là việc kiểm soát dịch bệnh tưởng như sẽ khiến ngành du lịch khởi sắc sau thời kỳ dài “đóng băng”. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang cầm cự lay lắt, chờ đợi để hy vọng một “khởi sắc” mới./.
Phạm Yến