Search by category:
Du lịch- ẩm thực

Du lịch nông thôn, đặc trưng vùng miền

Những năm qua, nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

Tại vùng Trung du Miền núi phía Bắc (MNPB), đây là vùng đất đa văn hóa, với nhiều đặc trưng, sắc thái của 32 dân tộc cư trú xen kẽ, trong đó các dân tộc tiêu biểu, chiếm số lượng lớn là Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng… đã hình thành một số loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm các bản làng dân tộc thiểu số; Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa của các dân tộc vùng cao; Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các lễ hội và văn hóa dân gian. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, nhiều bản làng không chú trọng giữ gìn cảnh quan, môi trường, quy hoạch xây dựng dẫn tới phá vỡ cảnh quan. Một số điểm tập trung khách quá đông dẫn tới tình trạng quá tải, hoặc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm giống nhau dẫn tới sự giảm sút về khách thời gian qua.

Tại vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), 11 tỉnh, thành phố trong khu vực có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch nông thôn nhờ kết nối với trung tâm gửi khách Hà Nội. Đây là nơi gắn liền với các giá trị văn hóa, lúa nước, văn hóa làng xã Bắc Bộ với “Cây đa, bến nước, sân đình”, nhiều làng cổ, làng nông nghiệp truyền thống, với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình. ĐBSH đã hình thành một số loại hình du lịch như: Du lịch nông thôn gắn với làng nghề truyền thống; Du lịch nông thôn gắn với cảnh quan vùng nông thôn; Du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết địa phương chưa khai thác được thế mạnh từ vùng canh tác cây ăn quả, lúa đặc sản lớn để phát triển du lịch. Nhiều điểm du lịch nông thôn trong vùng chỉ được khai thác khi kết hợp những tài nguyên du lịch nổi trội khác thu hút khách.

Du khách trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng Hà Nội

Tại vùng Bắc Trung Bộ (BTB), khu vực có đặc trưng dải bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc, nhiều cửa khẩu giáp với Lào. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông – Tây với các nước trong khu vực. Với vị trí địa lý thuận lợi, BTB sớm hình thành các loại hình như du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch làng nghề thủ công truyền thống… Dù vậy, có một thực tế là phần lớn các sản phẩm du lịch nông thôn ở khu vực BTB chưa thực sự hấp dẫn khách du lịch do tiếp cận giao thông chưa thuận tiện và chưa có nhiều dịch vụ trải nghiệm cho du khách.

Khách nước ngoài trải nghiệm tại vườn thanh long tỉnh Bình Thuận

Tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ (NTB), đây là vùng có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (hơn 1.300 km), và có thế mạnh về du lịch biển, đảo và du lịch sinh thái. Nét độc đáo về tài nguyên biển đảo của vùng NTB thuận lợi cho việc khai thác các loại hình du lịch như khu bảo tồn thiên nhiên, cồn cát, ghềnh đá ven biển…NTB đã khai thác khá tốt du lịch cộng đồng khai thác đặc trưng văn hóa địa phương, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, lối sống, lễ hội của cộng đồng, thăm quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề nông thôn. Các hoạt động trải nghiệm cuộc sống, thực tế sản xuất của người nông dân, du khách được trực tiếp cày bừa, cuốc đất, trồng rau, gánh nước tưới cây, được thưởng thức ẩm thực truyền thống, được chèo thuyền, đánh bắt cá như những ngư dân, được nghỉ dưỡng trong các cơ sở lưu trú chất lượng cao tại vùng nông thôn…

Tại vùng Tây Nguyên, đây là vùng có khí hậu mát mẻ quanh năm và tập trung nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ với hệ thống sông, suối, hồ, thác nước. Bên cạnh đó, Tây Nguyên có khoảng 32 loài động vật quí hiếm và nổi tiếng với các cao nguyên, trang trại cà phê, ca cao, hồ tiêu, và các loài hoa, các loại dược liệu. Đây còn là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc Tây Nguyên đều có bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng giúp hình thành các loại hình như: Du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa độc đáo của các buôn làng dân tộc thiểu số, không gian văn hóa cồng chiêng; Du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tham quan các trang trại cà phê, rau trái cây, chè đặc trưng. Tuy nhiên, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, mới có Lâm Đồng có khả năng thu hút khách nhờ sự phong phú đa dạng về sản phẩm du lịch và đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Tại vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), đây là nơi có nhiều tiềm năng đề phát triển du lịch sinh thái nhờ các bãi biển đẹp; hệ sinh thái đất ngập mặn; cũng như du lịch sinh thái gắn liền với Vườn Quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn. Với lợi thế của trung tâm gửi khách lớn nhất của cả nước là TP.HCM, ĐNB có những loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm tại các nông trại miệt vườn với các vườn cây ăn trái đặc sản; Du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao trồng rau hữu cơ, phong lan, cây cảnh, trang trại điều, cà phê, cao su. Hiện có nhiều chương trình du lịch sinh thái, nông nghiệp nhưng hầu hết hình thành ở TP.HCM.

Trải nghiệm hái chè ở Tây Nguyên

Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhờ hệ thống tài nguyên du lịch mang tính đặc thù, độc đáo, gắn liền với sông nước, miệt vườn, chợ nổi, làng nghề… ĐBSCL có thể khai thác lợi thế du lịch nông thôn gắn với hệ thống kênh rạch chằng chịt và các vườn cây trái quanh năm. Các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan sông nước, du lịch gắn với các làng nghề truyền thống từ lâu đã được hình thành ở ĐBSCL. Nhiều địa phương trong khu vực đã quy hoạch và đầu tư xây dựng hàng trăm tuyến, điểm du lịch. Lượng khách đến khu vực này có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực nông thôn rất thấp (khoảng 20-30%), hầu hết là các tour kết nối từ thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 80%) và đi tour ngắn ngày.

Như vậy, khu vực nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng và có nhiều dư địa để phát triển du lịch nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống khu vực nông thôn, đồng thời gắn bó mật thiết với hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, để phát huy được những sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, nông thôn cần có một chính sách tổng thể.

Ngọc Mai – Sở VHTTDL Thái Bình

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status