Vịt biển Đông Xuyên – sản phẩm Ocop tiêu biểu
Hiện nay, Thái Bình đang phấn đấu xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP, các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường cùng những sản phẩm nông nghiệp sạch được sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại. Trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng được nhiều sản phẩm đặc thù như: Gạo Vân Đài, gạo nếp Chùa Keo, hồng xiêm Lô Giang,… Mỗi sản phẩm không những có chất lượng cao mà còn trở thành sản phẩm du lịch được đông đảo du khách lựa chọn mỗi khi đến thăm quê hương Thái Bình.
Tài nguyên nhân văn ở vùng nông thôn được thể hiện rõ thông qua tính cách của người nông dân với nét chân tình, cởi mở, dễ mến và dễ gây thiện cảm. Người dân thôn quê sẵn sàng mở cổng mời khách vào nghỉ chân, uống nước và chia sẻ những câu chuyện về đời sống thường ngày dưới mái hiên nhà hay dưới bóng cây trong sân… Không những vậy, ở vùng nông thôn còn có nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo, các lễ hội dân gian truyền thống… mà ngày nay nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phải nghiên cứu, phục dựng để trao truyền. Các hoạt động lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ hằng năm, theo mùa vụ, giúp tăng tính tương tác giữa du khách và cộng đồng địa phương…
Khi tham gia tour du lịch nông thôn, du khách có cơ hội gặp gỡ nghệ nhân giàu kinh nghiệm của làng nghề, có thể giảng dạy hay hướng dẫn những thao tác đơn giản về nghề hoặc được tham gia trải nghiệm một số hoạt động của nghề nông. Có thể nói du lịch nông thôn là loại sản phẩm độc đáo không thể nhìn thấy, không dễ soi xét hoặc không phải lúc nào cũng có trong một chuyến du lịch.
Ngoài ra, chúng ta có thể xây dựng tour, tuyến du lịch tâm linh nối với các hợp tác xã nông nghiệp như: tour Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần nối với đền thờ Bác học Lê Quý Đôn và hợp tác xã sen Vân Đài. Du khách sau khi thăm quan các khu di tích xong có thể check in tại vườn sen và thưởng thức các món ăn được chế biến từ sen.
Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp gắn với du lịch giai đoạn 2022 – 2025 tầm nhìn đến 2030. Với quyết tâm, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, không chỉ cung cấp lương thực cho tiêu dùng, xuất khẩu mà nông nghiệp mà còn là nền tảng để khai thác và phát triển du lịch. Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sẽ là một hướng đi mới mà ở đó người nông dân có cơ hội sử dụng mảnh đất của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cũng như quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ nói chung, những nét văn hoá riêng biệt của Thái Bình nói riêng đến du khách.
Nguyễn Huyền