Search by category:
Tin tức

Chùa Keo – Di tích LSVH cấp quốc gia đặc biệt

    Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn hiện tồn là chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII (1632) cách ngày nay 380 năm. Chùa Keo gồm 12 tòa, 102 gian là những công trình kiến trúc chính và 4 tòa, 14 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 tòa, 116 gian.

Chùa Keo ngoài việc thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật hậu Thánh). Vị Thánh được thờ ở đây là Dương Không Lộ – một nhà sư thời Lý có trình độ hiểu biết sâu sắc về Phật học. Ông vừa được thờ như một vị tổ sư, vừa như một vị Thành Hoàng làng, nên điều khác biệt trong kiến trúc Chùa Keo là trước tòa Đền Thánh có thêm một tòa Giá Roi. Ngay tên gọi của nó – “Giá Roi” – cũng không thấy trong bất cứ sách Phật hay trong các chùa chiền nào ở Việt Nam. Theo những cụ già ở Chùa Keo cho biết: Giá Roi là căn nhà xưa dùng làm nơi xử kiện, phạt vạ, bổ bán công điền, công thổ của làng Dũng Nhuệ (làng Keo). Với chức năng đó, rõ ràng Chùa Keo là một trung tâm hành chính của thôn xã cổ.

Trong các công trình kiến trúc ở chùa Keo, có một kiến trúc độc đáo là Gác chuông Chùa Keo. Gác chuông được làm theo kiểu chồng diêm cổ các nhưng có 3 tầng 12 mái và là một công trình kiến trúc được làm hoàn toàn bằng gỗ (một số gác chuông của các chùa cổ khác ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chỉ làm 2 tầng 8 mái).

 

Chùa Keo không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị, còn có lễ hội truyền thống khá độc đáo. Hội truyền thống của Chùa Keo hàng năm mở 2 lần – “Xuân Thu nhị kỳ”. Hội vui xuân vào mùn 4 tháng Giêng và hội Thu vào 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch. Trong sinh hoạt lễ hội truyền thống của Chùa Keo còn lưu giữ được những trò chơi dân gian khá đặc sắc như hội thi nấu cơm, thi ném pháo, thi bắt vịt… vào Hội Xuân; hội thi đua thuyền (bơi chải) trên sông Hoàng (sông Hồng), bơi thuyền cò cốc ở ao chùa, bơi chải cạn,  múa ếch, những cuộc thi kèn, thi trống của lễ hội Thu. Hội Chùa Keo tháng chín là dấu vết hiếm hoi của hội Thu truyền thống còn lưu giữ được trong lễ hội truyền thống của người Việt  ở đồng bằng Bắc Bộ .

Với tất cả các ý nghĩa trên, Chùa Keo có thể được coi là một công trình kiến trúc Phật giáo sáng giá nhất trong toàn bộ kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện tồn.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status