Thái Bình được nhiều du khách đánh giá là một điểm đến mới, hấp dẫn, độc đáo với nhiều di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia, những danh thắng mới lạ, những làng nghề truyền thống…
Thái Bình còn là cái nôi của nghệ thuật hát chèo, múa rối nước như chèo làng Khuốc (Phong Châu, Hưng Yên), múa rối nước Nguyên Xá (Nguyên Xá, Đông Hưng)…Thế nhưng làm thế nào để sống lại giá trị của các di sản văn hóa để phục vụ du lịch? Đây có lẽ là một bài toán khó vì cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch nghệ thuật truyền thống này chưa thể đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách lớn, nơi biểu diễn còn đơn sơ, nhỏ hẹp, công trình vệ sinh công cộng chưa đạt yêu cầu.
Thời gian tới Thái Bình cần tập trung cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh với các tỉnh bạn như du lịch tâm linh (đền Trần – Tiến Đức, Hưng Hà; Đền A Sào – Quỳnh Phụ; Đền Tiên La – Hưng Hà) và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển tại Khu du lịch sinh thái Cồn Vành và Cồn Đen. Đặc biệt cần chú trọng đến vấn đề giao thông để du khách có thể dễ dàng tìm đến các khu điểm có sản phẩm du lịch đặc trưng. Một điều đáng mừng và tại Khu vực du lịch sinh thái Cồn Vành hiện nay đã có Công ty TNHH Đầu tư và Vận hành dự án Viet HP đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Tuyến đường được xây dựng từ thị trấn Tiền Hải đến Khu du lịch Cồn Vành theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều dài 18,5km. Tổng kinh phí xây dựng tuyến đường là 879,4 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2015 – 2017. Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng nối liền trung tâm huyện Tiền Hải đi các xã khu Nam sẽ thúc đẩy khai thác tiềm năng của vùng đất ven biển, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch.
Dù còn nhiều hạn chế nhưng với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng thì việc mở thêm các điểm vui chơi, giải trí tham quan, mua sắm; kết nối văn hóa – thể thao và du lịch Thái Bình sẽ đón thêm nhiều du khách và giữ chân họ ở lại lâu hơn.
Thúy Hường