Thái Bình vốn có bề dày truyền thống văn hóa văn nghệ dân gian với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như: hát – diễn chèo, múa rối nước, múa rồng lân, múa sênh tiền, múa giáo cờ giáo quạt, múa bát dật, múa kéo chữ, kéo lửa nấu cơm, đi cầu kiều, đu tiên… Các loại hình nghệ thuật dân gian này đã một thời tưởng như rơi vào quên lãng, nhưng những năm gần đây, thông qua các lễ hội truyền thống và lễ hội cách mạng, các hoạt động nghệ thuật dân gian đã làm sống động trở lại vùng quê tiềm ẩn bao giá trị văn hóa đặc sắc.
Từ các hội làng, các điệu múa dân gian cổ truyền đặc sắc đã được khôi phục lại khá nguyên vẹn như: Múa ông Đùng bà Đà ở Thụy Hải – Thái Thụy; múa bát dật ở An Khê – Quỳnh Phụ; múa kéo chữ ở Quỳnh Hồng – Quỳnh Phụ; múa giáo cờ giáo quạt ở Đông Tân – Đông Hưng; múa chèo chải cạn ở Chùa Keo – Vũ Thư; hát văn,.v.v..
Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh đã tiến hành thể nghiệm một số mô hình hoạt động như: “Làng vui chơi – làng ca hát”; giúp Đài Phát thanh truyền hình tỉnh tổ chức sân chơi “Văn hóa làng”, “Làng văn hóa hát dân ca”… góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nông thôn Thái Bình. Tại các sân chơi này, giữa người thi và người thưởng thức, giữa các trò diễn, trò thi hầu như không còn khoảng cách. Người dân không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng thức mà họ còn tiếp nhận ở đó vốn kiến thức xã hội, sự đua tài tinh mắt, khéo tay… Đây là sân chơi đầy lý thú, bổ ích góp phần nâng cao trí tuệ, thể chất của mọi người dân.
Tuy bước đi, cách làm ở mỗi địa phương, mỗi loại hình nghệ thuật dân gian có khác nhau, song sự tồn tại và hoạt động của phong trào là điều đáng ghi nhận. Nhiều CLB nghệ thuật dân gian đã hình thành từ đó. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 400 CLB nghệ thuật dân gian, trên 1.000 CLB nghệ thuật chèo truyền thống luôn đóng vai trò chính trong các hoạt động vui chơi ở các lễ hội làng, lễ hội vùng. Hoạt động của các CLB đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trở thành lực lượng nòng cốt trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Điều này đã được khẳng định qua màn múa hát chèo “Thái Bình ơn Bác” do 200 diễn viên không chuyên biểu diễn phục vụ lễ hội kỷ niệm 110 thành lập tỉnh; màn Sử thi “Đất thiêng dựng nghiệp Nhà Trần”, “Chiêu Lăng khúc khải hoàn ca”, “Về nơi tôn miếu Nhà Trần”, “Âm vang hào khí Đông A” do hàng trăm diễn viên của các CLB chèo huyện Hưng Hà biểu diễn và nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian khác phục vụ Lễ hội đền Trần huyện Hưng Hà, Lễ hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10 hàng năm. Họ đã tạm gác công việc nhọc nhằn vất vả thường ngày của nhà nông để hóa thân trở thành những nghệ sỹ không chuyên giàu tâm huyết với nghệ thuật, say mê lời ca, điệu chèo da diết, mượt mà được đúc kết từ thành quả những tháng năm lao động cần cù, lam lũ.
Chính nhờ các hoạt động văn hóa dân gian mà văn hóa đã thấm sâu vào đời sống, hoạt động xã hội của từng người, từng gia đình, dòng họ. Các hoạt đông văn hóa dân gian không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí mà còn gắn kết mối quan hệ cộng đồng, góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên nội lực mới, sắc thái mới, diện mạo mới cho nền văn hóa dân tộc.