Lễ hội đền Đình Bái tại xã Đông Hợp huyện Đông Hưng diễn ra vào 27-28 tháng 8 âm lịch, tổ chức năm năm một lần.
Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hóa có mặt ở Việt Nam từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Những năm gần đây, trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có lễ hội truyền thống đã được phục hồi và phát huy, làm phong phú hơn đời sống văn hóa của Việt Nam.
Lễ hội đền Đình Bái tại xã Đông Hợp huyện Đông Hưng diễn ra vào 27-28 tháng 8 âm lịch, tổ chức năm năm một lần. Đông Hợp là xã thuần nông, con người thuần hậu, chất phát, nằm trong cái nôi cách mạng của huyện Đông Hưng những ngày kháng chiến. Ngôi đình Đình Bái là di tích lịch sử, gắn bó với người dân làng Bái. Lễ hội Đình Bái được tổ chức để tưởng nhớ công đức vị thành hoàng làng – người có công khai khẩn, mở xứ thuở sơ khai. “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ mẹ”, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng vẫn được dân làng Bái gìn giữ, các nghi lễ thực hiện theo đúng truyền thống, phong tục từ xưa đến nay.
Phần lễ được tiến hành vào ngày 27/8 Âm lịch.
Phần hội diễn ra vào ngày 28/8 Âm lịch với các nghi lễ: rước linh kiệu, bát hương, ngai thờ, kiệu bát cống, ngựa gỗ, thuyền gỗ… Bữa cơm ngày hội quần tụ vừa ấm cúng vừa tăng tình đoàn kết của dân cư trong làng.
Lễ hội là môi trường thuận lợi mà ở đó các yếu tố văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát triển. Những yếu tố văn hoá truyền thống đó không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, vận hành cùng tiến trình phát triển lịch sử của mỗi địa phương trong lịch sử chung của đất nước.