Lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư). Ảnh tư liệu
Từ những định hướng được đặt ra tại hội nghị, liên hệ với thực tiễn địa phương, có thể thấy Thái Bình là tỉnh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của các giá trị truyền thống trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người và đã triển khai một số hoạt động thiết thực. Ngày 30/1/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngày 28/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết này.
Ba năm qua, Nghị quyết số 04-NQ/TU và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí các giá trị truyền thống của quê hương chưa mạnh, chưa đồng đều, thậm chí còn một bộ phận vẫn xem nhẹ. Nghị quyết số 04 đã chỉ ra các hạn chế: “Công tác giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng. Nội dung, phương thức giáo dục truyền thống chậm đổi mới…”. Nghị quyết cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan là: “Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội chưa hiểu sâu sắc về lịch sử văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình; chưa nhận thức đúng, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác giáo dục truyền thống. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong giáo dục truyền thống còn mang tính hình thức…”. Nếu đánh giá thực trạng của công tác giáo dục truyền thống ở Thái Bình sau ba năm đưa Nghị quyết số 04 vào cuộc sống mà dùng nguyên những câu chữ như trên thì có lẽ vẫn cơ bản đúng.
Cũng từ định hướng của hội nghị Văn hóa toàn quốc và những nội dung đã được xác định trong Nghị quyết số 04, liên hệ với thực trạng công tác giáo dục truyền thống cùng các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo lưu, chấn hưng và phát huy các giá trị truyền thống ở Thái Bình trong những năm qua thì thấy có một số vấn đề đáng quan tâm:
Một là, Nghị quyết số 04 đã chỉ rõ những giá trị truyền thống tiêu biểu của quê hương Thái Bình như trị thủy, khẩn hoang, quai đê lấn biển, mở đất, lập làng, thâm canh lúa nước, nghề thủ công, hiếu học, sáng tạo các loại hình văn hóa nghệ thuật, yêu nước và cách mạng… và hầu hết các truyền thống này cũng đã được xác định rõ nội hàm. Tuy nhiên, có một số giá trị đạo đức truyền thống từng được xác định là những đức tính nổi trội của người Thái Bình như: Cần mẫn, năng động, đoàn kết, dân chủ, quả cảm, cương nghị, giàu chí tiến thủ… thì nội hàm cần được làm rõ thêm. Thực ra, những đức tính này cũng là đức tính chung của người Việt Nam nhưng cần phải nhận thức được là sự biểu hiện và sắc thái biểu cảm của những đức tính này ở người Thái Bình có nét khác hơn, đậm hơn.
Sự tác động của các đặc trưng riêng về tự nhiên, dân cư ở đồng đất Thái Bình đã tạo cho những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam được hun đúc thêm, được “Thái Bình hóa” mà trở nên nổi trội ở con người Thái Bình. Đất đai Thái Bình vốn được hình thành từ sự bồi tụ của phù sa sông biển kết hợp với quá trình chinh phục của con người. Cư dân Thái Bình có nguồn cội từ sự hội tụ các luồng cư dân tứ xứ về hợp cư. Trong hoàn cảnh “chín người mười làng” cùng chung lưng đấu cật ở nơi đầu sóng ngọn gió để sinh tồn thì sự bó bện tình người, tình làng, tính cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh sớm được hình thành, vun đắp là lẽ tự nhiên. Vì vậy, cố kết cộng đồng là một trong những giá trị cốt lõi trong truyền thống đoàn kết của người Thái Bình. Hơn ở đâu hết, tình làng nghĩa xóm ở Thái Bình được đúc kết qua những câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”, “Tắt lửa tối đèn có nhau”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… vốn đã thấm sâu vào tâm can, trở thành lẽ sống, lối sống của con người Thái Bình.
Hai là, tại hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa và cũng chia sẻ quan niệm của mình: “Văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”. Nội dung giáo dục truyền thống trong thời gian tới ở Thái Bình cần được bổ sung, chú trọng hơn đến giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống, trong đó có giáo dục tình thương yêu và lòng nhân ái…
Mặt khác, các giá trị đạo đức truyền thống không chỉ cần được nghiêm cẩn giữ gìn, phát huy ở thời kỳ mới mà còn cần được phát triển, bồi trúc thêm những giá trị mới. Việc khôi phục, giữ gìn thuần phong mỹ tục là hết sức cần thiết nhưng cũng phải biết di phong, dịch tục từ sự tiếp thu, tiếp biến những tinh hoa giá trị đạo đức mới. Vấn đề là, kế thừa những gì, phát huy, phát triển thế nào cho phù hợp.
Ba là, trong nội dung giáo dục truyền thống ở Thái Bình cũng cần chỉ rõ những hạn chế của văn hóa, con người Thái Bình. Chẳng hạn, những tàn dư của tâm lý tiểu nông trong lao động sản xuất: “xấu đều hơn tốt lỏi”, “năng nhặt chặt bị”, “lấy công làm lãi”… tâm lý cục bộ gia đình, dòng họ, làng xã theo kiểu “ra làng giữ lấy họ, ra họ giữ lấy anh em” dẫn tới cục bộ địa phương chưa phai nhạt hẳn mà vẫn đang len lỏi trong đời sống xã hội. Ở chừng mực khác nhau, những hạn chế này là lực cản sự phát triển kinh tế – xã hội, kìm hãm sự phát triển hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Thái Bình ở thời kỳ mới.
Bốn là, xã hội hóa các hoạt động văn hóa là xu thế tất yếu nhưng cần phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước, với lĩnh vực di sản văn hóa thì càng cần phải chú trọng hơn. Trên thực tế đã có nhiều di sản văn hóa vật thể bị tổn thương, biến dạng, thậm chí bị tiêu vong do tôn tạo di tích từ nguồn vốn xã hội hóa. Di sản văn hóa phi vật thể cũng đã có những trường hợp các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử bị làm sai lệch, méo mó do xã hội hóa các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, hội thảo khoa học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do vô thức, do kém hiểu biết về giá trị di sản chứ hoàn toàn không phải do có ý thức phá hoại.
Năm là, muốn giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa thì phải nhận diện được chân xác giá trị của từng loại hình để phát huy cho đúng. Trước hết, những cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý văn hóa phải am tường về những giá trị di sản trên địa bàn của mình quản lý. Xin được nêu hai trong nhiều chuyện bi hài trong các hoạt động bảo lưu và phát huy múa dân gian cổ truyền ở Thái Bình:
Chuyện thứ nhất xảy ra cách đây gần 30 năm: Vào năm 1993, chúng tôi có đưa một số chuyên gia nghiên cứu múa dân gian hàng đầu của Việt Nam về làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ) để khảo sát, nghiên cứu tục múa Bát dật. Sau khi xem trình diễn xong, có vị chuyên gia nói vui: “Đây là một điệu múa mang dáng dấp các điệu múa của đoàn thanh niên, có gì mà nghiên với chả cứu, bảo với chả tồn”. Hỏi ra mới biết là trước đó mấy năm có cụ Thòa, cụ Thuận là hai nghệ nhân của làng từng múa Bát dật từ thuở còn là gái đồng trinh đã truyền dạy cho các chị em trong làng để phục dựng lại điệu múa này nhưng sau đó một biên đạo múa ở Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã xuống dàn dựng lại để “nâng cao” thêm. Đến năm 1993, hai cụ đã ở tuổi cổ lai hy. Khi mời hai cụ ra múa thị phạm thì các chuyên gia cứ vừa xem vừa chắp tay vái lia lịa. Có vị cao hứng nói: “Đây mới đích thị là vàng ròng”. Thế rồi, theo lời khuyên của chuyên gia, làng lại mời hai cụ tiếp tục truyền dạy lại để khôi phục tục múa theo trình thức vốn có.
Múa Bát dật làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ). Ảnh tư liệu
Chuyện thứ hai cách đây gần 3 năm: Thái Bình có những điệu múa cổ truyền độc đáo gắn với tính thiêng trong tục thờ Thành hoàng của một làng và thường chỉ được múa trong ngày hội làng đó nên dân gian vẫn gọi là tục múa. Ví như: Múa ông Đùng bà Đà của làng Quang Lang (Thái Thụy), múa Bệt của làng Vọng Lỗ, múa Bát dật của làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ), múa Giáo cờ giáo quạt của làng Thượng Liệt (Đông Hưng), múa Ếch vồ và múa Chèo chải cạn trong hội chùa Keo (Vũ Thư)… Khi đề cập đến việc bảo lưu và phát huy giá trị của một trong số tục múa kể trên, một cán bộ văn hóa đã có ý tưởng đề xuất việc dạy tục múa này ở các trường phổ thông trên địa bàn huyện và dạy trên truyền hình tỉnh để phổ biến rộng rãi. Đúng là chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt…
Cần biết, việc tạo điều kiện để nghệ nhân đưa các tục múa dân gian cổ truyền của một làng đi trình diễn tại các sự kiện văn hóa trong nước hoặc nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị truyền thống của Thái Bình là hết sức cần thiết. Đó là một hoạt động phát huy giá trị di sản nhưng đó là một việc hoàn toàn khác với việc đem tục múa là đặc hữu của một làng đi truyền dạy cho cả huyện, cả tỉnh.
Từ câu chuyện trên, ngẫm sâu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Quả là, nếu “văn hóa soi đường” theo những kiểu như trên thì hẳn là sẽ đưa “quốc dân đi” đến chỗ “gieo vừng ra ngô”!
Tự hào với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, trước ngưỡng cửa của thời kỳ mới, hơn lúc nào hết mỗi địa phương, đơn vị, mỗi người dân Thái Bình cần có nhận thức toàn diện, sâu sắc, tâm huyết, nỗ lực không ngừng để giữ gìn, chấn hưng, phát huy được bề dày truyền thống đó, xây dựng văn hóa, con người Thái Bình xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với thời đại.
Nguyễn Thanh
Báo Thái Bình