Nhiều người dân tại Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình phấn khởi bởi làng nghề hồi sinh. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Thị trường xuất khẩu gặp khó, Hạnh Silk càng chứng tỏ sự sáng tạo và sức sống mạnh mẽ khi truyền thông, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, duy trì doanh thu bền vững.
Hồi sinh làng nghề
Lương Thanh Hạnh, CEO Công ty cổ phần thương mại Hạnh Silk tự nhận mình là người đàn bà “điên tình” với đũi, lụa Việt. Bởi, nơi chị khởi nghiệp không phải là một làng nghề dệt đang phát triển mà đó là một làng nghề gần như “chết”, nguy cơ xóa sổ.
Hơn 400 năm trước, làng đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa, chủ yếu cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc.
Thế nhưng, thời thế đổi thay, cuộc sống ngày càng hiện đại, người tiêu dùng ưa chuộng hàng may công nghiệp, không còn mặn mà với áo đũi, quần lụa khiến làng nghề truyền thống rơi vào quên lãng.
Từng làm trong ngành nội thất, trang trí nên chị Hạnh có cơ hội tiếp xúc với lụa, đũi nên chất liệu thô ráp, mộc mạc có giá trị cao, không đơn thuần là vải trang trí.
Lý giải vì sao chọn một làng nghề mai một để phát triển chị Lương Thanh Hạnh cho rằng: Giữa thời điểm công nghiệp hóa, máy móc dần thay thế con người, các sản phẩm lụa trên thị trường khó giữ được cái “chất” ban sơ. Do đó, chị trân trọng các sản phẩm làm thủ công và mong muốn giữ nguyên cái hồn của đũi, lụa.
Không ít người tỏ ra e ngại khi có người quyết định khởi nghiệp ở một làng nghề dệt gần như “chết” và cũng tỏ ra hoài nghi khi bỗng nhiên có người muốn gây dựng lại làng nghề.
Chị Hạnh khẳng định việc có “duyên nợ” với đũi, lụa, không nỡ nhìn những sản phẩm công thủ công, tinh hoa của làng nghề bị thay thế bởi thứ hàng hóa dập khuôn, 1000 chiếc như 1.
Bà Lương Thanh Hạnh, CEO Công ty cổ phần thương mại Hạnh Silk. Ảnh: BNEWS/TTXVN
“Tôi yêu và trân trọng vẻ đẹp ban sơ của đũi, lụa, điên cuồng đến mức chui vào chuồng bò để tìm lại bộ khung cửi 100 năm tuổi. Tôi đến với đũi, lụa từ con số 0, kể cả lòng tin, tiền bạc, đất đai, kỹ thuật… tôi chỉ có sự chân thành, tình yêu với lụa. Chính điều này đã lay động những người nghệ nhân cùng tôi gây dựng lại nghề dệt đũi ở Nam Cao”, chị Hạnh nói.
Chị Lương Thanh Hạnh đứng lên thành lập Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao với 30 thành viên tham gia hợp tác xã và hơn 100 hộ liên kết, phát triển vùng nguyên liệu “trồng dâu, nuôi tằm” với diện tích 100 ha tại huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã đưa ra chiến lược chinh phục khách hàng bằng những giá trị “chất” và “thật”, sản xuất xanh, tiêu dùng sạch.
Từ những chiếc kén, tấm đũi thô mộc trở thành những sản phẩm tinh xảo như khăn tay, áo dài, khẩu trang, chăn gối… trải qua gần 20 công đoạn như nuôi tằm, nhả tơ, thu kén, kéo đũi, quay tơ, đánh ống và dệt vải, nhuộm vải, thiết kế…
Với tư duy mới, con người mới, hợp tác xã dệt đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục làng nghề, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thời hoàng kim.
Với doanh số trung bình 40 tỷ đồng mỗi năm, Hợp tác xã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều người dân tại Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình phấn khởi bởi làng nghề hồi sinh và người dân nơi đây lại được tiếp tục gắn bó với nghề của ông cha và tham gia nhiều lễ hội văn hóa.
Đặc biệt, làng nghề dệt đũi Nam Cao đã chuyển mình. Và nay, những tấm lụa không chỉ dừng lại ở lũy tre làng mà sẽ còn tiếp tục với những chuyến hành trình xa hơn.
Chinh phục khách hàng bằng chất
Hạnh Silk tự nhận mình là người đàn bà “điên tình” với đũi, lụa Việt. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Sau khi hồi sinh làng nghề, cả Công ty Hạnh Silk và Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao đều có sự phát triển vượt bậc, 80% sản phẩm xuất khẩu, còn lại 20% tiêu thụ nội địa.
COVID-19 bất ngờ ập đến và không nương tay với bất cứ doanh nghiệp nào. Xưởng dệt Nam Cao tại tỉnh Thái Bình thuộc vùng xanh nên hoạt động sản xuất bình thường, sản phẩm vẫn ra đều đặn.
Tuy nhiên, khó khăn của Hạnh Silk nằm ở đầu ra của sản phẩm khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn. Tại Việt Nam, các địa phương liên tục “đóng – mở” giãn cách xã hội khiến thị trường bán lẻ chững lại.
Xuất khẩu, kênh bán lẻ gặp khó, Hạnh Silk tìm về với thị trường nội địa qua kênh thương mại điện tử Shoppee, Alibaba, fado và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Chị Lương Thanh Hạnh cho biết: “Ở thị trường nội địa, chúng tôi tập trung phát triển các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe mùa COVID như khẩu trang, khăn mặt, mặt nạ, chăn gối lụa, sản phẩm trang trí nội thất.
Hơn nữa, người Việt ngày càng quan tâm đến sức khỏe và hướng đến các sản phẩm thủ công, thân thiện với môi trường. Do đó, các sản phẩm của Hạnh Silk được người tiêu dùng đón nhận. Hiện, kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu đã cân bằng với tỷ trọng 50 – 50”.
CEO Hạnh Silk cho biết thêm kênh bán hàng hiện đại hiệu quả hơn kênh bán lẻ, tăng độ phủ sóng của thương hiệu và đặc biệt việc đặt hàng, giao hàng thuận tiện hơn rất nhiều.
Làng đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) nổi tiếng cả nước về nghề ươm tơ, dệt lụa. Ảnh: BNEWS/TTXVN
Càng khó khăn, doanh nghiệp càng chứng tỏ sự sáng tạo và sức sống mạnh mẽ trong nghịch cảnh. Dù chịu tác động của dịch COVID-19 song doanh thu năm 2021 của Công ty cổ phần thương mại Hạnh Silk và Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao vẫn ở mức ổn định, tương đương với năm 2020.
“Nhìn lại năm 2021, Hạnh Silk biết ơn vì tất cả người lao động đều khỏe mạnh và an toàn. Đó là điều chúng tôi lãi nhất trong năm qua. Dịch bệnh khiến doanh nghiệp, người lao động hoảng loạn, sức tiêu thụ không tốt như xưa. Nhưng trong nguy có cơ, chúng tôi có thời gian để phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị các dự án mới. Năm 2022, khi Việt Nam và thế giới đều thích ứng với dịch COVID-19, tình hình tiêu thụ sẽ khả quan hơn, Hạnh Silk kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 10% so với năm 2021”, chị Hạnh nói.
Chia sẻ về kế hoạch năm 2022, CEO Hạnh Silk cho biết sẽ kết hợp với các nhà thiết kế, kiến trúc sư tập trung vào các sản phẩm thời trang và nội thất, ngoài các sản phẩm sẵn có.
Cùng với đó, Hạnh Silk sẽ tiếp tục “mang chuông đi đánh xứ người” ở thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… và tham gia các chương trình quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại để tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, nâng tầm đũi, lụa Việt Nam./.
https://bnews.vn/