Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan các Làng nghề truyền thống Việt Nam. Tour du lịch làng nghề là dịp được khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức phường, hội riêng của các làng nghề truyền thống trên khắp miền đất nước.
Với khoảng 200 làng nghề rải rác khắp địa bàn tỉnh, Thái Bình được mệnh danh là một trong những cái nôi làng nghề của đất nước. Hiện nay, 100% xã phường trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất một ngành nghề truyền thống. Những cái tên như bánh cáy làng Nguyễn (huyện Đông Hưng), chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương), thuê Minh Lãng (huyện Vũ Thư), dệt Phương La – Thái Phương (huyện Hưng Hà), dệt chiếu cói Tiên Lễ (huyện Hưng Hà), dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương)…là minh chứng sống động cho tài hoa, trí tuệ của con người Thái Bình, góp phần tôn vinh một vùng đất địa linh nhân kiệt – quê hương của nghệ thuật hát chèo, múa rối nước. Mỗi làng quê giống như một viện bảo tàng sống động về văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách. Đến đây, bạn sẽ có dịp đắm mình trong “không gian văn hóa làng nghề” tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng.
Đến thăm các làng nghề truyền thống, bên cạnh việc tìm hiểu lịch sử làng nghề, tìm hiểu quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm, du khách còn được thâm nhập vào cuộc sống cộng đồng ở nông thôn, chọn mua các mặt hàng thủ công truyền thống với giá cả vừa phải, thưởng ngoạn cảnh quan với vẻ đẹp đặc trưng của làng quê Bắc bộ và được tham dự nhiều sinh hoạt dân gian phong phú.
Đối với Thái Bình du lịch làng nghề được xác định là một trong những loại hình du lịch đặc thù, có thế mạnh và tiềm năng phát triển phong phú. Nếu hệ thống hạ tầng phát triển ở mức độ nhất định, thì việc kết nối các điểm đến văn hóa – lịch sử – làng nghề – sinh thái điển hình sẽ tạo nên các tour du lịch đặc sắc. Ví như: từ Đền Trần ở Hưng Hà vào làng chiếu Hới, qua Chèo làng Khuốc ở Đông Hưng; múa rối nước Nguyên Xá và Đông Các; ngược lại chùa Keo và làng vườn Bách Thuận ở Vũ Thư, xuống làng chạm bạc Đồng Xâm và làng mây tre đan Thượng Hiền ở Kiến Xương và kết thúc tại Cồn Vành ở Tiền Hải. Mỗi một tour có thể khai thác các điểm đến văn hóa và làng nghề khác nhau trong tổng số hơn 100 làng nghề đang hoạt động ổn định ở Thái Bình. Không quên khai thác điểm nhấn ẩm thực cổ truyền ở mỗi địa phương như canh cá Quỳnh Côi, bánh Cáy làng Nguyễn, bánh gai Đại Đồng (Vũ Thư), gỏi nhệch Diêm Điền, nộm sứa Thái Thụy…
Hiện tại, nhiều làng nghề ở Thái Bình đang hoạt động tốt với các giao dịch thương mại sôi nổi cả trong và ngoài nước nhưng hạ tầng cho phát triển du lịch (đường xá, dịch vụ mua sắm, ăn ngủ nghỉ) lại chưa đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt là nghề chạm bạc Đồng Xâm hàng tháng đều có những đoàn khách từ châu Âu về đây không chỉ tham quan mà còn đặt hàng, mua hàng; Gần như 90% dân số làng nghề này tham gia hoạt động làng nghề và thu nhập chủ yếu từ nghề. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng tại làng nghề chưa được đầu tư xây dựng, chưa có bãi đỗ xe riêng cho du khách…Việc phát triển du lịch làng nghề tại Đồng Xâm sẽ giúp người dân ở đây không chỉ sản xuất sản phẩm thông thường mà còn hưởng lợi nhiều từ du lịch như cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, sản xuất đồ thủ công lưu niệm bán cho du khách, tổ chức cho du khách trực tiếp tham gia vào một số quy trình sản phẩm đơn giản… Qua đó sản xuất và du lịch hỗ trợ được cho nhau hiệu quả hơn, đặc biệt ở khâu quảng bá sản phẩm tại chỗ.
Sản phẩm của các làng nghề, phố nghề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch Thái Bình; nhưng làm thế nào để sản phẩm làng nghề tạo ra dấu ấn riêng, khẳng định thương hiệu thì cần có sự chung tay của hiệp hội làng nghề và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng, quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề, xây dựng phòng trưng bày sản phẩm làng nghề cũng là một trong những giải pháp để giới thiệu với khách tham quan./.
Thúy Hường