Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và thuộc văn hóa của cư dân trồng lúa nước lâu đời. Tuy không có những dãy núi hùng vì, không có những cảnh quan ngoạn mục, phong cảnh thiên nhiên hữu tình như những nơi khác nhưng đời sống của một cộng đồng vốn gắn bó chặt chẽ bên nhau đã tạo nên một nền văn hóa phong phú, một bề dày lịch sử hào hùng còn in đậm dấu ấn tới ngày nay.
So với các tỉnh thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình có diện tích đất tự nhiên thuộc loại hẹp nhưng mật độ các di tích lịch sử văn hoá lại tương đối dày. Tính đến tháng 6/2013 số lượng di tích là 2200, trong đó có 109 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 475 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt vào tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với 10 di tích khác của cả nước.
Thái Bình cũng là một vùng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng mà lễ hội truyền thống đã có và hiện còn ở Thái Bình đáng được xem là tiêu biểu về số lượng, đa dạng về loại hình. Hiện nay, có 493 lễ hội ở Thái Bình đã được khôi phục, duy trì, tổ chức thường xuyên hàng năm. Trong đó có 442 lễ hội thuộc loại hình dân gian, 58 lễ hội thuộc loại hình tôn giáo, 3 lễ hội thuộc loại hình văn hóa du lịch (lễ hội đền Đồng Xâm, lễ hội đền Tiên La, lễ hội Đền Trần), còn lại là các lễ hội thuộc loại hình lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội làng nghề. Đây là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển du lịch văn hoá, du lịch tâm linh tại Thái Bình.
Người dân Việt Nam nói chung có một đời sống tâm linh vô cùng sâu sắc, đi chùa là một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu của người dân Việt. Bởi vậy với hệ thống các di tích lịch sử – văn hoá đa dạng, Thái Bình có tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hoá, lễ hội, du lịch làng quê…
Các địa danh lịch sử – văn hoá ấy còn thu hút một lượng du khách lớn cả trong và ngoài tỉnh. Đến với lễ hội truyền thống Thái Bình, ngoài việc lễ Phật, du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian như: Đấu vật, đánh gậy, múa đốc, múa kiếm, thả diều, bơi trải, kéo co, kéo chữ, chọi trâu…, hay xem các hội thi đặc sắc như: Thi nấu cơm, thi bắt vịt, thi ném pháo, thi dệt chiếu hoa…và hoà mình vào không khí “sáng rối, tối chèo”.
Nhận thấy tiềm năng của loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, tỉnh Thái Bình và các sở ban ngành liên quan, chính quyền địa phương tại các điểm đến du lịch đã phối kết hợp, tổ chức các lễ hội lớn để kỷ niệm, tái hiện lại những giá trị văn hóa truyền thống có xen kẽ với hiện đại, huy động sự tham gia của đông đảo người dân, thu hút du khách khắp mọi miền đến tham quan, trẩy hội.
Thúy Hường