Có thể nói, di tích lịch sử danh lam thắng cảnh là một loại tài nguyên đặc biệt, một nguồn lực mạnh mẽ, động lực phát triển của du lịch Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Tài nguyên “văn hóa” mang đến sự phát triển bền vững, một vị thế và sức sống mới trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm với địa hình đa dạng, thảm thực vật và thế giới động vật phong phú với nhiều chủng loại, giống khác nhau. Con người hiền hòa, sống gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên… Trong đó danh lam thắng cảnh là một bộ phận quan trọng hình thành nên hình thể của địa phương và đất nước. Thái Bình là tỉnh có diện tích đất tự nhiên thuộc loại hẹp nhưng mật độ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa tương đối dày, với hơn 3000 di tích, trong đó xếp hạng hơn 100 di tích và di tích cụm quốc gia, với 2 di tích lịch sử đặc biệt và hơn 500 di tích và cụm di tích cấp tỉnh được phân bố khắp các huyện, tỉnh. Bên cạnh đó, với hơn 50 km đường biển Thái Bình có thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch biển… Suy cho đến cùng, mọi hoạt động sống của con người đều dựa trên nền tảng của tự nhiên, xuất phát từ tự nhiên. Cho ta thấy, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Thực tế phát triển du lịch của tỉnh cho thấy, di sản văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt; cũng chính sức cuốn hút ấy đã thu hút đầu tư vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch trong thời gian qua. Điều đó vừa mang lại kết quả tăng trưởng kinh tế, xã hội, vừa bảo tồn, phát huy chính di sản văn hóa. Nhưng cũng chính quá trình vận động của du lịch, đôi khi không kiểm soát, đã gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa danh lam thắng cảnh. Du lịch vừa tạo ra thu nhập, vừa làm, vừa tạo động cơ, vừa tạo ra nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa truyền thống, từ đó hình thành những quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân địa phương, cộng đồng cư dân bản địa với khách du lịch và với di sản. Các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được khai thác, phát huy hiệu quả phục vụ phát triển du lịch, nhưng chưa thật sự chú trọng đi sâu phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi và những nét đặc thù riêng của từng di tích danh lam thắng cảnh, chưa khai thác hết được yếu tố văn hóa để tạo nên sự khác biệt.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã thể hiện rõ chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong đó, du lịch văn hóa là một trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Nam trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch. Do đó, để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị di sản, văn hóa, chúng ta cần có chiến lược phát triển phù hợp. Trong đó, ngành Du lịch cần lựa chọn sản phẩm du lịch trên cơ sở giá trị di sản văn hóa; phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng. Sản phẩm du lịch cần tôn trọng đa dạng văn hóa, đề cao vai trò văn hóa bản địa mặt khác phải góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.
Phạm Yến