Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, không có những dãy núi hùng vì nhưng bù lại Thái Bình được thiên nhiên ưu đãi cho một bờ biển dài hơn 50km và được bao quanh bởi 3 con sông lớn là Sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa. Chính vì vậy, đặc sản thiên nhiên quê tôi rất đa dạng và phong phú, làm say lòng cả những du khách khó tính.
* Đặc sản Cà Ra
“Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là thời điểm Cà ra chớm mùa nhưng Cà ra thực sự rộ nhất là vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Đây là thời gian Cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Một con cua Cà ra to có thể có trọng lượng lên đến 200g. Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác, khiến bất cứ ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên.
Mùa cà ra ở Thái Bình bắt đầu khi tiết trời chuyển từ thu sang đông kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Cà ra có người còn gọi là cua lông, có hình dáng gần giống như con rạm vùng đồng bằng nhưng to hơn nhiều, Hiện cà ra chỉ tồn tại trong tự nhiên, chưa ai nuôi được. Sông Trà Lý đầy nét hoang dã, là nơi sinh sống của cà ra.
Xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương là nơi có nhiều người làm nghề bắt cà ra theo mùa, cà ra chỉ tập trung sống nhiều ở vùng cửa biển, khi có nước biển tràn vào thì mang vị mặn, nhưng khi nước biển rút thì vẫn là nước ngọt. Cà ra rất kén môi trường sống, nên hầu như chúng chỉ có nhiều ở vùng này vì môi trường sống còn thích hợp.
* Rộn ràng mùa Rươi xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương
“Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, đó là mùa rươi. Rươi chỉ xuất hiện có vài lần trong một năm mà mỗi lần chỉ có vài ngày là hết. Rươi là món ăn quý nhưng không kiểu cách, sang trọng như nem công chả phượng mà quý bởi người ta ít khi được thưởng thức một món lạ như thế…
Mùa rươi rất ngắn ngủi, mỗi năm xuất hiện một lần vào cuối tháng Chín đầu tháng Mười âm lịch. Rươi có nhiều ở các vùng nước lợ ven cửa sông các tỉnh Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng. Cách rươi xuất hiện cũng rất lạ, thất thường, khi có khi không, kể cả những người dân địa phương đã từng vớt rươi hàng chục năm cũng không sao lý giải được. Có khi đến ngày rươi nổi mà chờ hoài vẫn không thấy, vậy mà khi rươi xuất hiện, nếu không nhanh tay vớt, chỉ vài giờ là chúng biến mất tăm, không để lại “dấu vết” gì. Rươi quý hiếm là vì vậy. Nhìn hình dáng rươi, không ít người cảm thấy sợ, thế nhưng khi được chế biến, lại trở thành món đặc sản thơm ngậy, ăn rồi nhớ mãi. Hồng Tiến là xã thuộc vùng sâu, vùng xa huyện Kiến Xương với 6 thôn, trên 6.000 khẩu. Ðặc thù nhất ở Hồng Tiến là có nghề đánh bắt thủy hải sản truyền thống ở làng chài Cao Bình. Về Hồng tiến thời điểm này đang rộn ràng thu hoạch mùa rươi. Trước đây rươi thu hoạch được bao nhiêu là bán hết ra thị trường bấy nhiêu, nhưng ngày nay do nhu cầu thưởng thức của người Việt rươi đã được vận chuyển đi nhiều tỉnh thành trong cả nước.
* Cá Khoai – món ăn dân giã của người dân quê vùng biển Bắc Bộ
Cá khoai có nhiều ở vùng biển Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa ra đến Quảng Ninh là đã hiếm, vào đến miền trung là ít người biết đến. Ngày trước, cứ mỗi khi nước lên, thuyền về bến, những chục cá khoai tươi rói theo các bà các chị tất tả bán rong khắp các con ngõ nhỏ trong làng. Nay thứ ăn dân giã của người miền biển đã trở thành đặc sản.
Ở Thái Bình, mùa cá khoai bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 2 âm lịch, đặc biệt là vào những ngày trời nhiều sương mù là thời điểm có nhiều cá khoai nhất. Cá khoai có nhiều nhất ở vùng cửa biển Thái Thụy và Tiền Hải.
Ăn bát canh cá khoai sẽ thấy vị chua thanh mát của cà chua lẫn với vị ngọt bùi nhuốm mùi mặn mòi của biển cả trong từng miếng cá khoai, thêm chút vị cay rân rân, tê tê đầu lưỡi của ớt… Tất cả hoà quyện vào nhau thành món ăn dân dã mà say lòng người,ăn no mà không biết chán.
Trước kia người ta nói cá khoai không thể vận chuyển đi xa,nhưng ngày nay cá khoai đã được ướp lạnh và chuyển đi khắp mọi miền tổ quốc, nhưng có lẽ cá khoai chỉ ngon khi được thưởng thức ở cái giá lạnh của người dân bắc bộ..
Nguyễn Lan