Lâu nay du khách thường biết đến Thái Bình là “quê hương năm tấn” với những ruộng lúa bạt ngàn, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nhưng nếu có 1 lần đặt chân đến mảnh đất này, bạn sẽ biết đến một Thái Bình rất khác với những cồn biển đẹp tại miền Bắc. Thái Bình được thiên nhiên ưu đãi cho một bờ biển dài hơn 50km và được bao quanh bởi 3 con sông lớn là Sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa. Chính vì vậy những động vật từ biển và sông cũng là một trong những nguyên liệu đặc biệt làm nên sự đa dạng và phong phú của ẩm thực Thái Bình, đã tạo nên ấn tượng sâu sắc với những du khách tới đây, đặc biệt là món gỏi nhệch, nộm sứa và canh cá Quỳnh Côi.
* Gỏi nhệch
Nhệch là một loài ca sống ở vùng ven biển Việt Nam, có thân dài và thịt rất thơm. Ở Thái Bình, nhệch sống ở các rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy. Khi thủy triều rút xuống, cá nhệch di cư ra biển là lúc chúng ta có thể bắt nhệch. Khi chúng đạt được chuẩn về kích thước và độ béo. Nhệch là nguyên liệu chính làm nên nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Chính vì vậy việc thu bắt nhệch đã trở thành công việc hàng ngày của người dân ven biển Thái Thụy. Bắt nhệch không khó nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm. Sau một ngày làm việc người dân nơi đây thường bắt được 3-4 kg cá nhệch, tùy thuộc vào sự may mắn của họ.
Các loại gia vị hàng đầu đi kèm không thể thiếu khi ăn gỏi nhệch đó là lá sung, quả sung, lá đinh lăng, lá mơ lông.
Nước vôi trong dùng để làm chết cá nhệch cũng như rửa sạch nhớt. Sau đó chúng ta sẽ rửa sach nhệch với nước nhiều lần, trước khi thái chúng thành những miếng nhỏ.
Sau khi mổ bụng bỏ ruột, đầu và đuôi, người ta lọc xương và thịt riêng. Người làm phải thật khéo léo và tỉ mỉ trong khâu lọc cá để cá không bị nát và không dính xương dăm. Phần thịt nhệch được thái lát thật mỏng, bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt cho ráo nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị và trộn cùng với thính làm từ gạo nếp rang vàng. Dù gia vị chỉ là những thứ rất dân giã nhưng lại có thể làm sống dậy hương thơm của món ăn. Người làm gỏi diệu nghệ sẽ có bí quyết về tỉ lệ các loại gia vị với thịt để chúng hài hòa hơn.
Một thành phần không thể thiếu của gỏi nhệch là nước chấm. Những quán gỏi nhệch nổi tiếng đều có bí quyết pha chế nước chấm riêng của mình. Nước chấm được pha từ mắm tôm, có vị chua được lấy từ quả chay luộc lên và pha trộn thêm vị ngọt thanh của đường.
* Nộm sứa
Sứa là một loài hải sản đặc trưng của các vùng ven biển, đặc biệt sứa có rất nhiều ở vùng biển Thái Bình, trông nó giống như thực vật nhưng lại là động vật thuộc loại xoang trường cùng họ với san hô. Thân sứa trong suốt như thủy tinh, mềm mại như chiếc lá, mang đủ màu sắc từ xanh dương, hồng cho đến tím nhạt. Mùa hè là mùa sứa nổi, nhiều nhất là vào tháng 4, tháng 5, từng thảm sứa di động trên mặt biển trông như vườn hoa sặc sỡ.
Từ những con sứa này ta có thể chế biến ra rất nhiều các món ăn khác nhau, trong đó có món nộm sứa là đặc sản nổi tiếng của đất Thái Bình nói chung và Thái Thụy nói riêng. Nộm sứa hay còn gọi là gỏi sứa, là món nộm sử dụng nguyên liệu chính là sứa đã được sơ chế, chần qua nước sôi, trộn chua ngọt với các loại rau, thịt động vật và gia vị. Nộm sứa là sự kết hợp hài hòa của vừng, lạc, dừa nạo, hành tây, lá chanh, mực khô xé nhỏ và một chút rau húng thái nhỏ cho thơm. Không có thịt, không có tôm như các cửa hàng vẫn bán, nhưng khi thưởng thức món nộm sứa người ăn vẫn cảm nhận được hương vị ngầy ngậy của vừng lạc, vị thơm dịu ngọt của dừa và một chút vị biển của mực khô. Nộm sứa ăn kèm với rau kinh giới và mắm tôm chanh.
* Canh cá Quỳnh Côi
Canh cá Quỳnh Côi nghe có vẻ lạ, tại sao canh cá lại là món ăn sáng nổi tiếng, đặc sản truyền thống lâu đời của đất Thái Bình?
Nguyên liệu làm món canh cá là bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, trong suốt đều tăm tắp, khi nấu lên lại trở màu trắng tinh, giòn dai và thơm thơm mùi gạo. Và không thể thiếu nguyên liệu chính là cá quả, cá rô đồng hoặc cá trắm, nhất là cá trắm đen. Cá được làm sạch, lóc phần thịt nạc, khéo léo tách bỏ xương, rồi đem thái thành miếng gần 1 cm, ướp với chút nước mắm ngon, bột tiêu và nước cốt nghệ tươi. Sau khi ướp khoảng 30 phút cho lên vỉ nướng than hoa cho chín tới, khi miếng cá se lại, thịt chín tới và có màu vàng sẫm.
Một quá trình đặc biệt làm nên hương vị rất riêng của món canh cá Thái Bình chính là nồi nước dùng và các loại gia vị, rau thơm đi kèm. Nước dùng được chế biển từ phần đầu và xương cá ninh nhừ, thêm chút gia vị là có ngay nồi nước dùng trong, ngọt và đậm đà. Thêm ít rau gia vị là hành lá, thìa là, rồi cứ mùa nào thức nấy khi thì thêm rau rút (nhút) vào mùa nóng, khi thì thêm rau cần hoặc rau cúc tần vào mùa lạnh.
Bát canh bánh đa bình dân là thế mà được bài trí rất công phu hấp dẫn. Dưới nền bánh đa trắng ngần là lớp rau xanh được chần rất nhanh qua nước dùng, cá chiên vàng sậm, miếng chả tròn và hành lá, thìa là. Cuối cùng là nước dùng chan để ăn nóng.
Thúy Hường