Search by category:
Tin tức

Bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa quốc gia Miếu Trà Đoài

    Làng Trà Đoài, xưa có tên gọi là Trà Hương, thuộc huyện Chân Lợi, lộ Kiến Xương. Đầu thời Nguyễn, làng Trà Hương được đổi tên thành Trà Xương. Năm 1890, khi tỉnh Thái Bình được thành lập, xã Trà Xương được chia thành hai làng Trà Đông, Trà Đoài.

Làng Trà Đoài có một ngôi miếu thờ bà Chỉnh Nương (Đệ tam cung phi của vua Lý Anh Tông) cùng với người em trai song sinh là Chu Chương. Hiện nay, tại miếu Trà Đoài vẫn giữ được một quyển thần tích chữ Hán do Quốc triều bộ Lễ kiêm lục bộ Thượng thư Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên – 1572. Nội dung thần tích đã được Ban Quản lý di tích tỉnh dịch ra quốc ngữ với nội dung chính sau:

Thời vua Lý Anh Tông trị vì, ở xã Mỹ Lạc, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, Sơn Nam Hạ có ông người họ Nguyễn tên là Đàm, lấy vợ người xã Cao Mại tên là Trần Thị Phương, hai ông bà đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con, hay tin ngoài phủ Kinh Môn thuộc tỉnh Hải Dương có ngôi chùa Yên Sơn rất linh thiêng, cầu gì cũng ứng nghiệm. Ngay hôm đó, ngày mùng 10 tháng giêng ông bà tìm đến chùa Yên Sơn lễ cúng Phật.

 Công việc xong xuôi, hai ông bà nằm cầu mộng trước án tiền, trong lúc thiếp đi bỗng thấy xuất hiện trên điện thờ Đức Phật Quan Âm. Phật dạy: “Hai vợ chồng nhà ngươi, một bên là của cải, một bên là đứa con gái tên Chỉnh Nương và đứa con trai tên Chu Chương, chúng vốn là phẩm vị của đấng Thiên tôn, nhà ngươi muốn lấy phần nào”.

Trong giấc mộng ông Nguyễn thấy hai đứa trẻ kháu kỉnh đáng yêu, ông cúi đầu làm lễ trước Phật làm lễ xin hai đứa trẻ này, Phật bèn hứa cho.

Trong khi ấy lại nghe trên trời đánh ba tiếng trống đồng rót thẳng vào tai, bỗng nhiên ông tỉnh giấc mới biết Đức Phật sẽ cho mình một trai, một gái. Hôm sau ông làm lễ tạ, trở về nhà ông phân phát tài sản cho người nghèo và nuôi dưỡng người già cả, lại sửa sang đường xá, cầu cống. Qua hơn một năm, bỗng nhiên phu nhân mang thai, tròn 12 tháng sinh được một bọc một trai, một gái; đó là ngày 12 tháng 3, mùa xuân năm Bính Ngọ. Ông bố nhớ lại giấc mơ bèn đặt tên cho cô chị là Chỉnh Nương và em trai là Chu Chương. Lên 5 tuổi hai đứa trẻ đã hiểu âm luật, bà mẹ rất mừng cho rằng trời ban phúc lộc… Khi lớn lên ông bà cho con theo học thầy Lý, hai chị em bản tính thông minh, kinh sử bách gia đều thuộc làu, võ nghệ cũng tinh thông, sức khỏe có thể địch được cả trăm người, kinh thông cả binh pháp của Thái Công (tức Khương Tử Nha), được thầy học rất khen ngợi. Thầy học cho rằng con gái (Chỉnh Nương) sau này sẽ là bậc mẫu nghi thiên hạ, con trai (Chu Chương) sẽ nối được nghiệp nhà. Lại nói người chị Chỉnh Nương có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chim sa, cá lặn, nguyệt thẹn, hoa nhường, nhất mực tam tòng tứ đức. Người em Chu Chương thực là hiền lương tuấn tú, giỏi cả kiếm cung, hai chị em thực như hào kiệt thời vua Nghiêu, vua Thuấn.

Khi ấy vua Lý Anh Tông được tin có người con gái tài sắc kiên ưu, bèn sai sứ thần triệu nàng về triều; thấy nàng mắt phượng, mày ngài, mặt đẹp tựa như ngọc; nhà vua rất đỗi vui mừng, bèn lập là Hoàng Hậu Phi Nhân; lại thấy người em trai Chu Chương có kỳ tài dị thuật, nhà vua cho vời vào hạ chiếu ban cho tước vị “Bình chương sự vụ kiêm tri nội các”, tất cả các việc lớn nhỏ đều được cùng nhà vua bàn bạc, xem xét, bởi vậy mà người em cũng được ưu ái đặc biệt.

Trải 15 năm, bấy giờ nước có giặc Chiêm xâm lược,giặc cướp bóc, vơ vét tài sản, nhân dân vô cùng lầm than khổ cực, thiên hạ chia ba thì giặc chiếm mất một phần. Bấy giờ quan quân địa phương chống trả đã ba năm, binh mã hao tổn, lương thực thiếu thốn; bọn giặc lại có viện binh tiếp chiến, thế giặc ngày một mạnh. Các quan thuộc các đạo Hải Dương, Sơn Nam hạ cùng làm biểu sớ tâu lên vua. Vua được tin ăn ngủ không yên, trong lòng lo lắng, ngay hôm ấy bèn triệu các văn thần, võ tướng bàn kế hoạch bày mưu chống giặc. Khi ấy văn võ bá quan giương mắt hồi lâu, vô kế khả thi tựa hồ bó tay.

Lúc đó Chu Chương bỗng nhiên rung động, chí tang bồng trong lòng căng như chiếc dây cung sắp phóng mũi tên, coi giặc Chiêm Thành nhẹ như lông hồng vậy, tức tốc ông vào triều, quỳ trước nhà vua tấu rằng: “Thần xin hết lòng theo thánh giá, xin tuyển tướng tài hùng binh 10 vạn và 1000 chiến thuyền, hẳn dẹp được bọn giặc kia”. Nghe lời tấu trình, nhà vua rất đỗi vui mừng liền phong cho ông làm tướng Tiên phong, thống lĩnh ba quân, tước hiệu “Chu Chương lang quý công tổng thống đại thần quan”. Ngay ngày hôm đó, Chu Chương phụng mệnh nhà vua dẫn 6 vạn bộ binh tiên phong thẳng tiến. Lúc bấy giờ Hoàng Hậu Phi Nhân cũng đi thảo phạt, thống lĩnh 2000 chiến thuyền, Hoàng Hậu ngự trên thuyền rồng tiến quân theo đường thủy. Chu Chương cưỡi con bạch mã dẫn quân tới tổng Mỹ Lạc, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương thì dừng chân quan sát địa thế, thấy gò đống sông nước nơi đây vòng vèo có phong tinh dẫn mạch, phía sau có làng xã bao bọc, thế đất tả hữu đều có cờ trống, ấn kiếm, ông ngắm mãi không chán, liền truyền lệnh cho nhân dân trong huyện xây dựng Đại bản doanh, đồn chính gọi là Trà Hương đồn, lại cho xây dựng tiền đồn ở đất Trà Lý để chống giặc.

Trải qua 5 tháng, đánh 35 trận đại phá giặc Chiêm, quan thanh lừng lẫy, một chiến thuyền giặc cũng không thoát trở về, không sót mũi tên nào không trúng giặc. Cùng lúc ấy Hoàng Hậu Phi Nhân bắt được chánh tướng, chém đầu treo trước cờ trận; Chu Chương cũng bắt được phó tướng, chặt thây làm ba đoạn, ném xuống biển. Thắng trận ông cùng chị khải hoàn, quỳ tâu trước mặt vua là đã quét sạch được giặc Chiêm Thành, đồng thời xin với nhà vua được lập thôn Đoài thành xã Trà Hương, tách riêng khỏi xã Mỹ Lạc. Vua liền cầm bút phê chuẩn ngay cho hai chị em làm đất ngự lộc, sau này trăm tuổi sẽ cho xây đền miếu tại đây. Ngay hôm đó, ngày mùng 6 tháng 6 hai chị em cùng các đại thần mở tiệc ăn mừng, mời các vị phụ lão, hào mục trong vùng đến dự. Trong lúc yến ẩm, hai chị em nói với nhân dân, với các vị phụ lão và các hào mục rằng “Chúng tôi và bà con vốn có tình cảm quê hương, làm sao có thể quên được, nay có hoàng kim (vàng ròng) 10 hốt lưu làm của công; đến khi nào chị em tôi qua đời thì dựng hai ngôi đền miếu ở hướng Đông Nam để muôn đời hương lửa, làm cho dấu tích này bất hủ”.

Vừa nói xong, bỗng thấy chim xanh bay đến, Hậu Phi không bệnh mà qua đời. Đó là ngày 15 tháng 8. Chu Chương cùng các quan và nhân dân bèn tâu lên nhà vua; Vua ban gấm vóc 1000 vuông, vàng bạc 50 hốt cùng một cỗ quan tài đem về Trà Hương làm lễ khâm liệm, an táng, truyền cho nhân dân dựng miếu bên lăng để phụng thờ lại gia phong sắc chỉ là “Thượng đẳng Hậu Phi chỉnh túc trang nghiêm cẩn tiết từ hòa quốc mẫu, chuẩn cho thôn Đoài, xã Trà Hương phụng tự”.

Lại nói khi Chu Chương cùng các quan đại thần, hào mục và nhân dân giao du, đều lấy ân nghĩa để bó bện lòng người, lấy lễ khi đối xử với nhau để trở thành mỹ tục, khuyến khích việc học cho nhân dân, lấy việc nông tang làm gốc, nêu cao việc làm tốt đẹp, trừ điều họa hại cho dân, làm cho muôn dân vui vẻ ấm no, khắp nơi lời ca tiếng hát rộn ràng, thực là cảnh tượng đất nước thanh bình, thịnh đạt. Bấy  giờ Chu Chương thiết lập một Hội quán trong ấp hướng Tây ghé Nam, làm trong 5 tháng. Ông giao cho nhân dân và các hào mục trông giữ rồi trở về kinh đô Thăng Long. Nhà vua phong cho ông là Thượng Thư bộ Hình. Trải hơn 30 năm từng đánh đông dẹp bắc, có nhiều công lớn với triều đình, khi nhà rỗi ông thường mời Vua đi chu du thiên hạ, nơi nào Vua tới đều dựng hành cung.

Một thời gian sau, ông về thôn Đoài, xã Trà Hương lấy năm hào mục tên là Tuấn, Chấn, Uy, Đường, Hoàn đi xem phong thổ núi sông các miền, nơi thì đàn dạo múa ca, thơ văn xướng họa, nơi thì nhạc phượng, loan ca rộn ràng thanh sắc, danh thắng của đất nước không nơi nào không thăm viếng. Trong khoảng 5 năm, một hôm thầy trò đến ngoạn cảnh ở đỉnh núi vùng Tam Điệp thuộc đạo Ái Châu, ông ngồi trên thạch bàn có vân ngũ sắc, bỗng thấy bách thú đến chầu, tả hữu theo ông, bỗng thấy trời đất tối sầm rồi xanh xanh, trắng trắng, trông thấy người ông hiện ra một hình ngôi sao lớn tựa như tơ đỏ dài hơn 10 trượng bay thẳng lên trời, thế là ông hóa. Đó là ngày 12 tháng chạp năm Canh Thân, chỉ một khắc sau mối đùn thành gò đất lớn. Các hào mục liền trở về làng kể lại việc này, nhân dân ra Hội đồng quán làm cỗ Thái lao hành lễ và phụng viết thần hiệu là “Chu Chương lang quý công, tổng thống đại thần quan đại vương” và đặt thần vị để phụng thờ.

Lại nói sau khi đại vương hóa thân, ngài cũng rất anh linh hiển ứng. Cho nên các đế vương đời sau đều truy phong mỹ tự:

Chỉnh Nương được phong mỹ tự là “Thượng đẳng phúc thần đệ nhất hậu phu nhân chỉnh túc trang nghiêm cẩn tiết từ hòa cảm hóa đinh phi ngọc bệ hạ”

Chu Chương được gia phong là “Đương cảnh thành hoàng Chu Chương lang quý công tổng thống đại thần quan, trợ quốc ứng vận, tế thế an dân”.

Chuẩn cho thôn Đoài, xã Trà Hương, tổng Mỹ Lạc, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương phụng thờ hai vị Đại vương.

Trải thời gian đã mấy trăm năm, ngôi miếu thờ Chỉnh Nương – Đệ tam cung phi của vua Lý Anh Tông và em trai – tướng quân Chu Chương vẫn được người dân Trà Đoài giữ gìn hương lửa, tu sửa ngày một khang trang.

Năm 2009, miếu Trà Đoài, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tháng 3 năm 2017, miếu Trà Đoài, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương lại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, loại hình di tích lịch sử. Đây là một vinh dự rất lớn cho người dân thôn Trà Đoài nói riêng và xã Quang Trung, huyện Kiến Xương nói chung. Nhân ngày Quốc khánh 2/9/2017, Uỷ ban nhân dân xã Quang Trung đã long trọng tổ chức lễ đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Miếu Trà Đoài trước sự chứng kiến của Đại diện bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Xương, các tập thể cá nhân có liên quan và đông đảo nhân dân trong và ngoài xã.

Bùi Thị Hải Yến

Tạp chí VHTTDL Thái Bình

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status