Nhiều sản phẩm tương đồng, thiếu sản phẩm nổi trội, khác biệt khiến người tiêu dùng khó quyết định mua hàng.
Thái Bình hiện có gần 10.000 doanh nghiệp và hơn 160.000 hộ sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, giá trị tổng sản phẩm của tỉnh đạt từ 56 – 60 nghìn tỷ đồng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp trở thành niềm tự hào, thương hiệu gắn liền với Thái Bình; trong đó đã có 64 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao và 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm làm ra nhiều, phong phú về chủng loại, tuy nhiên khâu tiêu thụ còn gặp không ít khó khăn dẫn tới vẫn còn tình cảnh “được mùa mất giá”. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm nghẽn ở đây chính là một số sản phẩm của chúng ta chưa nổi trội để hấp dẫn người mua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý: Đừng nghĩ chúng ta có nhiều sản phẩm OCOP là đã thành công, sản phẩm ấy phải đến được thị trường, đứng vững trên thị trường và nó tối đa được lợi nhuận cho người sản xuất mới là thành công. Người tiêu dùng bây giờ không đủ thời gian lựa chọn hết các sản phẩm tương đồng để quyết định mua sản phẩm nào chất lượng cao hơn. Thực tế, 80% họ quyết định mua vì cảm xúc khi thấy sản phẩm ấy có mẫu mã đẹp, mang lại niềm tin và hấp dẫn họ mua. Những thứ này thì không riêng sản phẩm của Thái Bình mà ở nhiều địa phương còn thiếu và yếu, người dân, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư một cách thích đáng.
Có một lý do khiến cho nông sản, sản phẩm công nghiệp của Thái Bình chưa được nhiều thương nhân phân phối biết đến đó là công tác quảng bá, xúc tiến thương mại của người dân, doanh nghiệp chưa được chú trọng. Một số tập đoàn bán lẻ tới tham gia hội nghị kết nối cung cầu của tỉnh tìm hiểu và được giới thiệu đã không khỏi ngỡ ngàng vì Thái Bình có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng lại thiếu thông tin để kết nối.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng phòng Thu mua toàn quốc, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: Tham dự hội nghị và sau khi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, chúng tôi biết được chất lượng gạo của Công ty rất tốt, mẫu mã cũng rất chuyên nghiệp và phù hợp với tiêu chí kinh doanh của hệ thống. Chúng tôi đã quyết định ký kết hợp tác đưa sản phẩm gạo của ThaiBinh Seed vào kinh doanh trong hệ thống MM Mega Market.
Còn ông Thiery Canivet, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ: Go! Thái Bình đã hợp tác với 11 doanh nghiệp tiêu thụ 300 mã hàng hóa của tỉnh. Qua hội nghị kết nối cung cầu lần này chúng tôi thấy tỉnh còn nhiều mặt hàng, nhất là sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống siêu thị Go! nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam.
Từ câu chuyện của các tập đoàn bán lẻ đến Thái Bình và tìm được đối tác mua hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy logic theo trật tự cung – cầu bây giờ lỗi thời, đã đến lúc tư duy ấy cần phải được định hình lại theo trật tự mới là cầu – cung, tức là thị trường, thương nhân họ cần cái gì thì chúng ta sản xuất cái đó để đáp ứng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết thêm: Hội nghị nhận được những thông tin, tín hiệu tích cực của thị trường từ hệ thống siêu thị để người dân, doanh nghiệp định hình lại đường hướng, tư duy sản xuất. Sản phẩm làm ra ngoài đòi hỏi chất lượng phải có cảm xúc, văn hóa, đó là thứ vô hình nhưng mang lại giá trị rất lớn nên đòi hỏi phải có sáng kiến, đổi mới trong sản xuất.
Song song với thay đổi tư duy về sản xuất, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị người dân, doanh nghiệp và các địa phương cần đặt công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đúng vị trí quan trọng của nó.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Chúng ta phải tích cực, nỗ lực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng các công cụ và giải pháp phù hợp với từng đối tượng, từng thị trường, từng mặt hàng để tận dụng cơ hội vượt qua thách thức, đa dạng hóa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Thái Bình đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình khuyến công, khuyến thương, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Thành quả của quá trình đó chính là sản phẩm của Thái Bình hiện nay đã có mặt không chỉ ở các chợ truyền thống mà còn xuất hiện tại các trung tâm thương mại, siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối lớn trong cả nước. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi các nước trên thế giới với kim ngạch khoảng hơn 2 tỷ USD/năm. Và ngay tại hội nghị kết nối cung cầu, đã có 5 nhà phân phối lớn ký kết đơn hàng thu mua với các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh và 8 sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam đã ký thỏa thuận với tỉnh đưa các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh lên gian hàng mua bán online để quảng bá, tiêu thụ. Đây là những tín hiệu tích cực, gợi mở cho người dân, doanh nghiệp những ý tưởng mới trên con đường tìm đầu ra cho sản phẩm trong thời gian tới.
“Sau hội nghị này, Sở Công Thương Thái Bình phối hợp với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các nhà phân phối, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các sàn thương mại điện tử tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu. Kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại qua hình thức thương mại điện tử và phương thức truyền thống để bảo đảm cung cầu hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển.” Đồng chí Nguyễn Khắc Thận Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
Khắc Duẩn
Báo Thái Bình