Sản phẩm đũi Nam Cao chinh phục khách trong và ngoài nước bởi đặc tính độc đáo: nhìn dầy dặn nhưng chạm vào mềm mịn, mát tay, vải mặc rất thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, lại rất bền, dễ giặt sạch, tẩy trẳng và mau khô.
Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt đũi ở Nam Cao lúc thịnh, lúc suy nhưng ở bất kỳ giai đoạn khó khăn nào người dân nơi đây đều biết vượt qua để duy trì và phát triển nghề truyền thống từng mang lại danh tiếng, thu nhập cho vùng đất này.
Công đoạn dệt sợi tơ đũi được làm thủ công. Sợi tơ, đũi được hình thành từ nhộng tằm. Sợi đũi sau khi được kéo và cuốn lại thành từng “vun”, để có thể dệt thành vải đũi cần xử lý nấu thật kỹ cho sợi mềm, tơi. Sau khi nấu sợi đũi được đánh thành từng ống sợi to sau đó lại đánh thành từng suốt nhỏ để cho vào con thoi dệt. Vãi đũi và khăn đũi dệt thành từng tấm dài, những tấm vải này sẽ được nấu và nhuộm màu hoặc để thô tùy loại sản phẩm. Nếu là khăn tơ, khăn đũi sẽ thêm công đoạn cắt ra thành từng khăn, xe tua.
Một trong những doanh nhân luôn đau đáu muốn gìn giữ phát triển làng nghề là cô gái lụa Hạnh silk. Sản phẩm tơ đũi Nam Cao đã được Hạnh silk mang đến với khách trong và ngoài nước, nhận được những phản hồi tích cực.
Những nong tằm vàng óng ánh theo mãi người con quê hương cùng với tiếng đưa thoi ngày đêm. Từ quá trình con tằm khó nhọc nhả tơ đến bàn tay lam lũ của các bà các chị se sợi, dệt vải, cảm thông, chia sẻ và gắn bó; người nữ doanh nhân ấy say mê tơ đũi, luôn khắc khoải và tìm hướng đi cho một làng nghề đã từng phát triển hết sức hưng thịnh:
“ Một ngàn năm, một vạn năm
Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ
Ai ơi chín đợi mười chờ
Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai”
Thời gian tới, hi vọng với tấm lòng của những doanh nhân tâm huyết, sự tài hoa của nghệ nhân nơi đây cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, hy vọng nghề dệt đũi của xã Nam Cao huyện Kiến Xương sẽ phát triển mạnh mẽ trở lại, góp phần lưu giữ và phát triển nghề truyền thống lâu đời, cũng như trở thành một điểm sáng du lịch của tỉnh.
Thùy Dương