Cuộc thi thả diều sáo của Song An có từ mấy trăm nay, để tưởng nhớ công lao của Quốc Công Đinh Lễ. Năm 1424, Ngài đóng chốt giữ đồn trại trên núi Tùng Lĩnh và cho quân sĩ vừa khai khẩn đất hoang tự cung cấp lương thực vừa đánh giặc. Quốc Công cho thả diều sáo để quân sĩ vui tai quên hết gian lao mệt nhọc vì thế liên tục thắng trận.
Hàng năm nhân dân Song An thường mở cuộc thi sáo diều vào chiều 25/3 âm lịch, trước khi thi diều thầy trông Đền sẽ cúng và đánh trống làm lễ cầu phong để bắt đầu cuộc thi. Diều sáo phải làm bằng chất liệu truyền thống như tre, lứa, luồng, miệng sáo bằng gỗ hoặc bằng đồng. Diều có kích cỡ từ 2m trở lên. Ban tổ chức sẽ cắm 2 cái câu liêm có chiều cao 3.5m và 4.5m, khoảng cách 2 câu liêm tính từ chỗ gần nhất là 0.2m đến 0.28m; cự ly câu liêm đến diều là 15m; từ câu liêm đến người cầm dây là 35m. Hình thức chấm thi theo thang điểm 10: Diều nào vượt qua câu liêm 3 điểm; diều đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật được 3 điểm; âm thanh sáo diều 2 điểm, sáo có các loại: Bộ 5, bộ 4, bộ 3, bộ 2 với các âm thanh cồng, còi, go, ghí, gô; diều lên cao không đảo 1 điểm; thời gian, phong cách, ý thức đội tham dự thi 1 điểm. Nếu diều nào thắng cuộc sẽ mang đến Đền để mọi người chiêm ngưỡng.
Để thế hệ trẻ nơi đây phát huy được văn hóa truyền thống của cha ông ban tổ chức còn mở cuộc thi làm diều cho các cháu thiếu niên nhi đồng, và thành lập câu lạc bộ sáo diều để những người yêu thích sáo diều cùng nhau gặp mặt và chia sẻ những kinh nghiệm làm cho văn hóa sáo diều của Song An ngày càng được nhiều người biết đến.
Nguyễn Huyền