Trời bắt đầu chớm thu, se se những cơn gió đầu mùa càng làm cho không khí thêm phần lắng đọng, nhấp chén chè nhâm nhi thêm vài hạt cốm thấy cuộc sống thật yên bình, tĩnh lặng.
Nếu bạn từng một lần về với mảnh đất quê hương “Chị hai năm tấn”, một lần về với Chùa Keo để chiêm bái, vãn cảnh chùa, thì cách đó không xa mời bạn ghé qua xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, nơi có một món ẩm thực mang đậm hồn quê mà đã gắn bó với người dân từ bao đời đó chính là Cốm Thanh Hương – món quà của lúa non nơi nổi tiếng là vùng chuyên nông nghiệp, hương vị cốm ở đây rất ngọt ngào mà chắc hẳn khi ai đã nếm thử đều khó có thể quên được. Đó chính là sự kết tinh của trời đất, của mùi thơm dịu từ lá sen, là vị ngọt của từng hạt lúa, tất cả hòa quyện lại mang đến mảnh đất trù phú này nhiều sản vật mà các vùng đất khác khó sánh bằng.
Để rồi, cùng ngồi trò chuyện với các bậc bô lão trong làng, hỏi nghề cốm có tự bao giờ? nhưng chưa ai nhớ nổi, chỉ biết nó đã gắn liền bao đời nay ở vùng đất này. Cứ thế đến mùa gặt, ghé qua nơi đây từ đầu làng du khách sẽ ấn tượng bởi mùi lúa non thơm ngát được người dân gặt về, rồi đến các công đoạn chế biến vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận như gửi hết tâm tư tình cảm vào từng hạt “ngọc trời”, những hạt lúa nếp xanh thơm nức, ngọt ngào, từ bao đời làm nên thứ bánh ”quốc hồn, quốc tuý” của dân tộc ta là bánh chưng, bánh dầy. Cái tinh tuý của hạt gạo luôn nổi trội giữa trăm ngàn loại ẩm thực ngon, lạ trong và ngoài nước.
Người làm cốm được coi như “nghệ nhân”, họ phải rất khéo léo, có tính kiên trì vì làm ra được hạt cốm rất lâu và cầu kì, từ việc chọn nguyên liệu thóc nếp cái hoa vàng phải chín đúng độ, sau đó ngâm thóc rồi rang đều tay và bỏ vào cối giã, người giã, người đảo cũng phải đều để hạt cốm dẹp đều, không bị vón cục– đấy là các công đoạn ngày xưa. Giờ đây, người dân đỡ vất vả hơn vài phần nhờ có máy giã bằng điện, xong vẫn cần rất cao sự tỉ mỉ và khéo léo. Khi giã xong sẽ tới công đoạn sàng, sẩy, sao cho hạt cốm thật sạch để không bi lẫn vỏ chấu, thứ quà của lúa non đó có mùi thơm phức của lúa mới, màu xanh non dịu dàng thanh đạm. Những hạt cốm sạch sẽ và tinh khiết, không mảy may chút bụi nào. Cốm nguyên chất ăn bao giờ cũng ngon và nhiều vị. Nhưng người làng Thanh Hương muốn mùi vị cốm có phần độc đáo hơn thường ướp cốm với lá thơm, lá sen,…
Cốm chế biến được rất nhiều món ngon, người Thanh Hương ưa cái thứ cốm xào, thắng đường rất quánh thành một món quà ngọt sắc và dính răng. Hơn nữa người dân độc đáo nghĩ ra món xôi cốm, chè cốm, chả cốm…để làm cho món ăn độc đáo hơn. Đặc biệt, rằm tháng tám đón tết Trung thu, đĩa cốm xanh gói lá sen ăn với chuối tiêu trứng cuốc, hay chục hồng Thanh Hương khi ngắm trăng rằm lồng lộng đúng chuẩn nét văn hóa làng quê không đâu có thể trộn lẫn được. Đó chính là nét riêng, là cái hồn của người dân quê lúa. Và hơn thế nữa, cốm mang đến sự linh liêng trong các lễ hội, người làng thường dâng lên để cúng tế cầu mong sức khỏe, sung túc ấm no.
Qua bao đời nay, chính những hạt cốm thanh đạm ấy đã là sản vật nuôi người dân, và cũng nhờ những hạt cốm mà người dân làng Thanh Hương giờ đây nhà cao khang trang, đường làng thông thoáng. Mặt hàng cốm Thanh Hương, ngày một nức vùng tiêu thụ khắp các tỉnh thành trên cả nước đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,…
Về nơi đây, du khách không chỉ được thưởng thức món cốm ngon ngọt mà còn được thưởng thức rất nhiều các món ẩm thực mang đậm hồn quê Việt như: bún, bánh cuốn, bánh bèo, bánh rán,… Rồi cứ đến mỗi dịp tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, du khách qua nơi đây kết hợp cùng vãn cảnh ngắm mùa hoa cải Hồng Lý chỉ cách đó qua 1 con đê, để cùng nhau thưởng thức hương vị ẩm thực quê và cùng lưu giữ những bức ảnh đẹp.
Người dân Đồng Thanh nơi đây rất niềm nở, thân thiện, luôn chào đón mọi người, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương luôn mong muốn và tạo điều kiện để giúp bà con trong xã xây dựng được thương hiệu cốm ngày một vươn xa, được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến sản vật mang “tính hồn” của dân tộc Việt nói chung và người dân Thanh Hương, xã Đồng Thanh nói riêng./.
Phạm Yến