Search by category:
Tin tức

Đền Trần Thái Bình – khu di tích lịch sử về một vùng đất địa linh của một triều đại lớn

    Trong lịch sử của dân tộc Viêt nam, thời kỳ trị vì của nhà Trần (1225-1400)đã để lại rất nhiều dấu son trong lịch sử giữ nước và dựng nước của cha ông ta. Ba lần thắng giặc phương Bắc Nguyên Mông, những cuộc chiến mở rộng đất đai và bảo vệ đất nước với Chiêm Thành, Ai Lao cùng với hàng loạt chính sách phát triển kinh tế, an dân…nhà Trần thực sự là một triều đại có công rất lớn trong lịch sử phát triển của dân tộc.

Điều này được ghi nhận đầy đủ trong các bộ sử từ nhỏ đến lớn của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử, Việt Nam sử lược…Không những vậy, các danh nhân kiệt xuất đời Trần như vua Trần Nhân Tông và Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đi vào tiềm thức tâm linh của người Việt như những vị Tổ sư, Thánh bất tử.

Trên đất Việt Nam, khắp nơi đều có những đền, chùa và những khu di tích để tưởng nhớ và tri ân các vua Trần cũng như các công thần, tướng lĩnh có công giúp nhà Trần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Có thể kể đến các di tích lớn như: Di tích lịch sử Đền Trần ở Đông Triều, Vạn Kiếp, Nam Định, Thái Bình, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử…Một trong những di tích gắn liền với sự ra đời và tồn tại của vương triều Trần lâu nhất đó là khu di tích đền Trần Thái Bình. Để có thể hiểu rõ về khu di tích này, trước hết chúng ta hãy sơ lược qua lịch sử có liên quan đến khu di tích lịch sử Đền Trần.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư, năm Ất Dậu (1225) sau khi vua Lý Chiêu Hoàng ban chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) lên ngôi Hoàng đế vào ngày 11 tháng 12 năm 1225. Về nguồn gốc nhà Trần, không ít các sử gia đã tranh luận về quê hương tổ tiên nhà Trần. Nhiều sử gia khẳng định: nguồn gốc nhà Trần từ Trung quốc, sang Đông Triều (Quảng Ninh) sinh sống. Thời gian sau về Tức Mạc (Nam Định). Đến đời Trần Hấp (đến Trần Cảnh là 4 đời) sang sinh sống ở hải ấp Lưu Xá (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái bình).

Theo Đai Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sỹ Liên đời vua Lê Thánh Tông biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên viết: “Đời trước của vua là người đất Mân, có người tên là Kính đến hương Tức Mặc (Phủ Thiên Trường – Nam Định sau này) sinh ra Hấp, Hấp sinh Lý (Trần Lý), Lý sinh ra Thừa đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ là con họ Lê”. Theo sử sách anh em của vua Trần Cảnh có: Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), Trần Nhật Hiệu, Công chúa Thụy Tư (còn gọi là Thụy Bà công chúa), Thiên Thành công chúa và Trần Bà Liệt. Cũng theo sách trên: “Mùa đông tháng chạp (1225) vua Trần Thái Tông sai nội thị Phùng Tá Chu, Trần Trí đem văn võ bá quan sửa soạn thuyền xe, đến Tinh Cương (thuộc hương Đa Cương, sau đổi là phủ Long Hưng – Huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) đón Đức Thái Tổ Trần Thừa ta”.

Ngoài Đại Việt sử ký còn có An nam chí lược, bộ sách tập hợp sử liệu Việt Nam được viết vào thời Trần có ghi rõ: “ Long Hưng phủ có tên cũ là Đa Cương hương. Tổ tiên họ Trần lúc còn hàn vi, ban đêm đi qua một cái cầu, khi qua cầu rồi ngoảnh lại không thấy cầu đâu nữa, chẳng bao lâu được nước (làm vua). Người ta gọi khe ấy là Long Khê nên đổi tên Đa Cương làm Long Hưng”.

Ngược dòng các sự kiện trên, khi nghiên cứu về lịch sử nhà Lý, chúng ta còn có phát hiện thêm về quê hương vua Trần. Đời vua Lý Cao Tông năm 1209 có loạn Quách Bốc, vua phải bỏ kinh thành chạy loạn. Hoàng Thái tử Sảm (sau này là vua Lý Huệ Tông) đến thôn Lưu Gia (tức xã Lưu Xá, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay). Ở đây thái tử Sảm đã lấy Trần Thị Dung (con Trần Lý) làm vợ.

Cùng với các dòng tư liệu ghi trong sử sách, dân gian còn lưu truyền câu chuyện tổ tiên nhà Trần được thầy địa lý chỉ cho chỗ đặt mộ phát vương. Câu chuyện dân gian này đã được nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng, người dày công nghiên cứu về nhà Trần đã ghi rõ trong cuốn Long Hưng, Đất phát nghiệp vương triều Trần. Trong cuốn Thuyết Trần của cụ Trần Xuân Sinh, người sưu tầm, nghiên cứu về gia phả họ Trần cũng viết về câu chuyện này. Theo các nhà nghiên cứu trên, tổ tiên nhà Trần sống ở hương Tức Mặc đến đời Trần Hấp. Sau đó Trần Hấp chuyển sang sinh sống ở hương Lưu Xá (huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay). Thời gian Trần Hấp sang Thái Bình vào khoảng năm 1133.

Qua những dữ liệu trên, cùng với các sự kiện sau này của nhà Trần như việc an táng các Vua, xây dựng lăng tẩm trên đất Thái Bình, đã khẳng định một điều là: Thủy tổ của các vua Trần là ở hương Tức Mặc (Nam Định) còn quê hương chính và nơi phát vương của nhà Trần là Hưng Hà, Thái Bình.

Huyện Hưng Hà, Thái Bình không chỉ là quê hương và phát vương của các vua Trần mà còn là nơi an nghỉ của các vua đầu triều nhà Trần như Trần Cảnh, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và các Hoàng Thái hậu cùng một số hoàng thân, quốc thích của nhà Trần. Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục ghi rất cụ thể về lăng mộ vua Trần ở Thái Bình: “Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên (nay là xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình) có bốn cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông. Lại có lăng của bốn hoàng hậu”. Trong sử sách ghi về lăng mộ vua Trần có các tên như: Thọ lăng, Chiêu lăng, Dụ lăng hay Đức lăng đó là của các vua :

– Thọ lăng hay là Huy lăng là của Trần Thừa

– Chiêu lăng là của Trần Thái Tông

– Dụ lăng là của Trần Thánh Tông

– Đức lăng là của Trần Nhân Tông

Mặc dù trải qua bao biến cố và thời gian nhưng mộ phần các vua đầu triều Trần ở Thái Bình vẫn còn được gìn giữ. Đây cũng là những ngôi mộ lâu đời nhất còn được. Ngày nay, tại xã Tiến Đức, Hưng Hà còn có 3 ngôi mộ mà theo nhà báo Phạm Ngọc Dương đó là những ngôi mộ cổ lớn nhất từng biết đến ở Việt Nam. Mỗi ngôi mộ có diện tích hơn 1ha và cao như một quả đồi. Dân địa phương gọi ba ngôi mộ đó là phần Bụt, Phần Trung và phần Đa. Theo các nhà nghiên cứu, có thể ngôi mộ có tên là phần Bụt là mộ phần vua Trần Nhân Tông. Trước đây, nơi này còn một ngôi mộ gọi là phần Cựu nhưng đã bị khai quật năm 1980. Các nhà khảo cổ đã xác định niên đại của ngôi mộ này là thời Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta có thể hoàn toàn khẳng định, những ngôi mộ cổ ở xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình là mộ phần các vua Trần.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng, trước đây khu mộ các vua Trần bị đào bới, ông có dịp xuống tham quan một hầm mộ đã lộ rõ một đường hầm với kè đá, gỗ uy nghi. Hiện nay trong lộ trình xây dựng và tôn tạo khu di tích nhà Trần, các phần mộ của vua Trần đã và đang được bảo quản.

Có nhiều người nhầm tưởng, mộ các vua đầu triều Trần trước kia an táng ở Thái Bình nhưng sau đó đã chuyển về Yên Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Khu mộ các vua Trần ở Yên Sinh là mộ phần các vua Trần Anh Tông (gọi là Thái lăng), và các đời sau như Minh Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông…Riêng vua Hiến Tông (con vua Minh Tông) mộ phần lại chôn cất tại Kiến Xương, Thái Bình mà sử sách gọi là An lăng hay Xương lăng. Sử sách cũ ghi rõ, vì để tránh nạn cướp bóc của người Chiêm Thành, năm 1381 nhà Trần cho rước thần tượng các lăng Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương về lăng lớn ở Yên Sinh.

Chúng ta cần nhớ, những năm cuối của triều Trần, nhà nước Việt Nam suy yếu dần và đó là nguyên nhân để giặc Chiêm Thành nhiều lần vi phạm bờ cõi. Khu mộ các vua Trần ở Yên Sinh qua nhưng năm tháng của lịch sử và những nạn đào bới, trộm cắp đồ cổ nên chỉ còn một số phế tích và đang được tôn tạo lại để trở thành khu di tích lịch sử. Duy nhất ở Thái Bình còn lưu giữ lại các phần mộ của các vua Trần. Điều đó càng làm sáng tỏ nhận định về quê hương của các vua Trần là đất Long Hưng (huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay).

Từ mảnh đất địa linh này, nhà Trần phát nghiệp đế vương. Tập tục và tâm lý của người Việt nam ta xưa và nay, không ít người luôn có nguyện vọng thiết tha là lúc nhắm mắt xuôi tay được trở về nơi quê cha, đất tổ để phần mộ được đời đời con cháu trông nom. Mặc dù ngày nay, tuy khoa học đã phát triển đến đỉnh cao, nhưng cũng còn nhiều hiện mà ta thường gọi là tâm linh vẫn chưa được lý giải một cách thấu đáo. Những câu chuyện dân gian như về nhà Trần được mộ phát, hay vua Lý Công Uẩn được nhà sư Vạn Hạnh chọn đất đặt mộ mẹ để phát nghiệp đế vương. Hay như các câu chuyện thần bí về nhà Mạc, về vua Quang Trung. Rất nhiều câu chuyện như vậy tồn tại trong dân gian, nhưng để tìm một lời giải thích thấu đáo thì tiếc rằng hiện nay vẫn chưa có.

Điều thú vị là khi nghiên cứu sử về nhà Trần, chúng ta thấy có những trường hợp ngẫu nhiên về mảnh đất địa linh Thái Bình. Theo các nhà nghiên cứu, năm 1133, Trần Hấp về sinh sống ở Thái Bình thì 82 năm sau Trần Cảnh lên ngôi vua. Tính từ Trần Hấp đến Trần Cảnh là 4 đời. Các vua đầu triều Trần lăng mộ ở Thái Bình nhưng từ năm 1320 vua Trần Anh Tông và các vua sau không chọn đặt ở Thái Bình nữa mà được chôn cất ở Yên Sinh, Quảng Ninh. Đến năm 1400 thì nhà Trần mất. Thời gian tính từ khi đặt mộ vua Anh Tông đến khi nhà Trần mất ngôi cũng sấp xỉ bằng thời gian từ khi Trần Hấp đặt mộ ông (hay cha) về đất Thái Bình đến khi Trần Cảnh lên ngôi! Điều thú vị nữa là từ vua Trần Minh Tông (con vua Anh Tông – người cho xây an táng vua cha Anh Tông ở Yên Sinh) đến vua Thiếu Đế (người bị Hồ Quý Ly cướp ngôi) cũng là 4 đời.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status