Search by category:
Tin tức

Ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam 9/7

    Ngày 09/7/1960, Hội đồng chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, khách du lịch vào nước ta theo các Nghị định thư. Đây là dấu mốc quan trọng mở đầu cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

Ngành Du lịch Việt Nam được hình thành từ năm 1960, nhưng Du lịch Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc khi sự nghiệp đổi mới chính thức qua những năm đầu tiên; tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật được củng cố để chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vươn lên phát triển trong thời kỳ đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế. Từ năm 1990 – 2000 là giai đoạn phát triển tương đối mạnh mẽ, giai đoạn từ năm 2000 – 2009 là giai đoạn tăng tốc; từ năm 2010 đến nay là giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế tài chính và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Tính đến nay, ngành Du lịch Việt Nam đã hình thành và phát triển được 61năm (9/7/1960 – 9/7/2021) với những thành tựu đáng khích lệ, trong đó phải kể đến việc quảng bá các danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được UNESCO công nhận đến với bạn bè quốc tế . Có thể thấy rằng, du lịch đã định hình, trở thành nền kinh tế rõ ràng và đang vận hành theo các quy luật của một ngành kinh tế với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Cơ sở vật chất ngành Du lịch không ngừng tăng lên, đóng góp nhiều vào GDP, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác do tính chất tổng hợp, đa ngành. Du lịch Việt Nam đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Năm 2020, nước ta đã đón và phục vụ hơn 100 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trực tiếp, với hàng triệu lao động gián tiếp, tạo động lực phát triển cho nhiều ngành và lĩnh vực khác.

Tuy nhiên trong bối cảnh thiên tai, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn ra và lan rộng trên toàn thế giới, ngành du lịch thế giới và du lịch Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt; tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1,1 ngàn tỷ USD, khoảng 100 -120 triệu lao động trong ngành bị mất việc. Trong nước, các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh trong ngành rơi vào tình cảnh lao đao: khoảng 40 – 60% lao động bị mất việc hoặc cắt giảm ngày công, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động, nhiều khách sạn phải đóng cửa, nhiều công ty, dịch vụ đóng cửa vĩnh viễn…Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 6 tháng đầu năm 2021đạt khoảng 88,2 ngàn lượt, chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam, con số này giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.

Để giúp các doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có kiến nghị, đề xuất Tổng cục Du lịch trình lên Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, bảo hiểm, tín dụng, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực…Ngoài ra các doanh nghiệp du lịch phải chủ động cơ cấu lại thị trường mục tiêu, sản phẩm du lịch, tích cực khai thác tốt thị trường nội địa, hướng tới những thị trường gần và đã kiểm soát được dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng nòng cốt để sớm có thể quy tụ lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương phối hợp cùng với các bộ và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch.

 

Đức Ngọc

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status