Với những người mê thả diều ở Miền Bắc thì ít ai là không biết đến hội thi sáo diều nổi tiếng ở Sáo Đền Song An, Vũ Thư, Thái Bình. Quần Thể di tích Sáo Đền gồm 5 chùa và đền nhỏ: Đền Mẫu là nơi thờ Quốc Thái Phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế cùng Thánh Mẫu Ngô Thị Ngọc Dao; Đền thờ Tam Quốc Công thờ Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ ngay cạnh Đền Mẫu; Chùa Son (Gián Nghị – Song An) thờ Phù Dung công chúa – chị ruột của vua Lê Thánh Tông; chùa Khiếu (An Phúc – Song An) thờ Công chúa – con gái đầu lòng của vua Lê Thánh Tông; Chùa Quỳnh (Gia Hội – Song An) thờ Tướng quân Đinh Huệ Công – con trai thái sư Đinh Lễ.
Hàng năm, hội Sáo Đền diễn ra từ ngày 18/3 đến ngày 28/3 âm lịch. Ngoài phần tế lễ ra có phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, chơi cờ người, đặc biệt là phần thi sáo diều đã có từ hàng trăm năm nay thu hút được rất đông đảo du khách thập phương và nhân dân trong xã về tham dự. Sáo có các loại: Bộ 5, bộ 4, bộ 3, bộ 2 với các âm thanh cồng, còi, go, ghí, gô. Diều sáo phải làm bằng chất liệu truyền thống như tre, lứa, luồng, miệng sáo bằng gỗ hoặc bằng đồng. Diều có kích cỡ từ 2m trở lên. Ban tổ chức sẽ cắm 2 cái câu liêm có chiều cao 3.5m và 4.5m, khoảng cách 2 câu liêm tính từ chỗ gần nhất là 0.2m đến 0.28m; cự ly câu liêm đến diều là 15m; từ câu liêm đến người cầm dây là 35m. Hình thức chấm thi theo thang điểm 10: Diều nào vượt qua câu liêm 3 điểm; diều đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật được 3 điểm; âm thanh sáo diều 2 điểm; diều lên cao không đảo 1 điểm; thời gian, phong cách, ý thức đội tham dự thi 1 điểm. Thành phần tham gia dự thi gồm các câu lạc bộ sáo diều như: TP Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên,… và các thôn trong xã.
Cuộc thi thả sáo diều của Sáo Đền để tưởng nhớ công lao của Quốc Công Đinh Lễ. Năm 1424, Ngài đóng chốt giữ đồn trại trên núi Tùng Lĩnh và cho quân sĩ vừa khai khẩn đất hoang tự cung cấp lương thực vừa đánh giặc. Quốc Công cho thả diều sáo để quân sĩ vui tai quên hết gian lao mệt nhọc vì thế liên tục thắng trận.
Dưới đây là chương trình tế lễ hội đền Mẫu Sáo Đền năm 2015:
Ngày 18/3: Buổi sáng lễ mẫu khai hội
Buổi chiều đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Buổi tối Thủ nhang Đền Mẫu bác ghế hầu khai hội.
Ngày 19/3: Đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Ngày 20/3: Đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Ngày 21/3: Đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Buổi tối đoàn tế bản điện ông Chiên dâng hương lễ Mẫu
Ngày 22/3: Đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Buổi tối đoàn tế bà Châu xã Vũ Đoài về dâng hương lễ Mẫu
Ngày 23/3: Buổi sáng đoàn tế Đức Long xã Duy Nhất về dâng hương lễ Mẫu
Buổi chiều đoàn tế Lại tộc xã Tân Phong về dâng hương lễ Mẫu
Buổi tối đoàn tế thôn Thụy Bình xã Tân Phong về dâng hương lễ Mẫu.
Ngày 24/3: Buổi sáng đoàn tế bà Trung TP Thái Bình về dâng hương lễ Mẫu
Buổi chiều đoàn tế thương binh huyện Vũ Thư về dâng hương lễ Mẫu
Buổi tối rước đèn hoa đăng, phóng đăng thả trên mặt hồ trước Đền và chương trình giao lưu văn nghệ.
Ngày 25/3: Buổi sáng Cung rước Kiệu Chúa từ chùa Khiếu về Đền Mẫu
Buổi chiều đoàn tế bà Lành thôn Tân Minh về dâng hương lễ Mẫu
Buổi tối đoàn tế bà Thành thị trấn Vũ Thư về dâng hương lễ Mẫu.
Ngày 26/3: Đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Ngày 27/3: Đón quý khách cùng nhân dân về dâng hương lễ Mẫu
Ngày 28/3: Lễ tạ hội
Ban tổ chức lễ hội Sáo Đền xin trân trọng kính mời du khách thập phương đến tham dự lễ hội.