Search by category:
Tin tức

Lễ hội truyền thống Di tích LSVH Chùa Chành năm 2015 và đón bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam

    Sáng ngày 19/4/2015 tại di tích lịch sử văn hóa chùa Chành (Địa Linh Cổ Tự) xã Tân Bình, Thành phố Thái Bình đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội truyền thống Chùa Chành năm 2015 và đón bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam cho 5 cây cổ thụ trong khuôn viên của chùa.

Tới dự lễ khai mạc lễ hội truyền thống chùa Chành năm 2015, có ông Đào Mạnh Hạ – Ủy viên TƯ Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Thái Bình; ông Nguyễn Văn Mười – Phó chủ tịch Hội SVC tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hội SVC Thành phố; ông Lê Văn Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao TP. Thái Bình; ông Trần Phú Thái – Hội đồng Quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Bùi Đình Bảng – Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Bảo tồn bảo tàng Thái Bình và phóng viên các báo đài, các đồng chí lãnh đạo UBND xã Tân Bình, cùng đông đảo nhân dân địa phương, du khách, tín đồ phật tử xa gần về dự.

Chùa Chành (Địa Linh cổ tự) là một trong những chi của đạo phật Trúc lâm sớm nhất và dạng cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam ở khu vực Thái Bình, chỉ sau chùa Keo, chùa La Vân và chùa Phúc Thắng. Nơi đây đã in dấu chân phổ độ của Đại tổ Pháp loa, đệ tử của vua Trần Nhân Tông đưa đạo nhập thế, phát triển Phật giáo theo bản sắc riêng của người Việt. Chùa còn là cơ sở của phong trào Văn thân chống Pháp của Phủ Kiến Xương và nhiều sỹ phu yêu nước trong vùng. Sau năm 1954 chùa Chành còn là nơi hội họp, học tập văn hóa và bổ túc văn hóa của nhân dân làng Chành và xã Tân Bình. Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình có ghi nhận về chùa Chành: “Là nơi có phong trào phụng đạo và yêu nước”.

Trải qua thời gian, do phong hóa của thiên nhiên và ảnh hưởng của chiến tranh nên chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Để giữ gìn di tích, năm 1954 UBND tỉnh Thái Bình đã cấp bằng công nhận và bảo vệ chùa Chành là Di tích lịch sử – văn hóa.

Chùa được xây dựng bằng gỗ theo kiểu chữ Đinh, tòa ông Hộ rộng 7 gian, điện phật rộng 3 gian, tòa gác lâu cao 14 mét, mái hiên 7 gian rộng 1,5 mét, ngưỡng cửa và trụ cột hiên bằng đá, nền chùa lát gạch đỏ hình vuông. Các cửa võng, câu đối trong chùa được phục dựng sơn son thiếp vàng bóng đẹp, lộng lẫy. Kiến trúc chùa theo phong cách thượng giường, hạ kẻ, nghệ thuật chạm khắc chủ yếu là đấu sen, hoa dây và lá lật…di mảng khối lớn trang nhã.

Trong chùa còn lưu giữ được đủ tượng phật. Tầng thứ nhất bày  tượng tam thân; tầng thứ hai bày tượng A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Thế Âm Thế Chí; tầng thứ ba bày tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; tầng thứ tư bày tượng Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, Át Nan, Ma Ha Ca Diếp. Các ban khác bày 06 tượng phối thờ y mão triều phục…Chùa Chành cũng là một trong 2 chùa ở Thái Bình còn bảo vệ được trọng vẹn 18 vị long thần.

Toàn bộ khuôn viên chùa hiện nay rộng gần 10.000m2, trong chùa có nhiều cây cối xum xuê; đặc biệt có nhiều cây cổ thụ hàng mấy trăm năm tuổi, trong đó có 5 cây cổ thụ đã được TƯ Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam kiểm tra, lập hồ sơ và trao bằng công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam: Cây thị cổ thụ sân chùa Chành (niên đại 500 năm), cây thị cổ thụ cửa chùa (500 năm), cây đại cổ thụ sân chùa (800 năm), cây nhãn cổ thụ sân chùa (400 năm) và cây gạo cổ thụ cổng chùa Chành (300 năm).

Ngoài ra tại chùa còn có nhiều cây hàng trăm năm tuổi khác như cây roi, vải, xoài…luôn xanh tốt quanh năm, môi trường sinh thái thâm u, tĩnh lặng làm cho bất cứ ai đến thăm và chiêm bái cảnh chùa đều cảm thấy tâm tư nhẹ nhõm, thư thái hơn.

Hiện nay chính quyền địa phương, BQL di tích, Đại đức Thích Thanh Hùng và nhân dân địa phương đang tiếp tục quy hoạch, xây dựng, tôn tạo thêm nhiều hạng mục như tường bao, gác chuông cửa tam quan, nhà thờ Tổ, nhà thờ mẫu, hồ tâm linh, nhà tăng – ni, nhà khách, nhà ăn…để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và quý khách xa gần.

Lễ hội chùa Chành được diễn ra từ ngày 18/4/2015 đến hết ngày 21/4/2015 (tức từ ngày 30/02 đến 03/03 năm Ất Mùi) với các nghi thức rước kiệu thánh, hát tế lễ, văn nghệ dân gian của các đoàn, câu lạc bộ các địa phương; song song với đó là hoạt động biểu diễn võ thuật, các trò chơi dân gian như kéo co, cướp trái, cầu cạn…

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status