Thái Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện tại du lịch Thái Bình vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn như: du lịch còn làm ăn manh mún, tạm thời, dịch vụ còn nhiều bất cập, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, giao thông chưa thuận lợi… Chúng ta cần một nền du lịch bền vững một nền du lịch tốt cho Thái Bình hiện tại và còn bền vững dài lâu cho mai sau.
Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương và được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà du lịch phụ thuộc vào.
Thái Bình cần phát triển du lịch bền vững bởi du lịch là ngành công nghiệp không khói mang lại nhiều lợi tức nhất cho đất nước. Mục đích chính của phát triển bền vững là để Môi trường, Văn hóa xã hội và Kinh tế – được phát triển một cách đồng đều và hài hòa.
Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo.
Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.
Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bảo cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.
Do vậy, Thái Bình cần có những chính sách phát triển bền vững để có thể đạt được 3 yếu tố đó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện. Chúng ta có thể thấy rất rõ đó là Thái Bình chưa có một hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm có đường xá giao thông đi lại, với đủ các tiêu chuẩn an toàn và dễ tiếp cận cho khách du lịch để thực hiện việc di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.
Ví dụ: Cồn Vành là địa điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch nhất của Thái Bình đặc biệt là vào mùa hè. Đợt nghỉ lễ vừa qua thu hút được hàng triệu du khách. Tuy nhiên, để đến được Cồn Vành thì hệ thống đi lại cùng với các tuyến xe bus trong ngày còn chưa thật thuận tiện.
Ngoài ra ý thức của người dân tại khu vực du lịch này thường xâm phạm đến các tài sản của khu vực du lịch mà không ý thức được hết ảnh hưởng lâu dài đến vấn đề môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Hay những hành vi chặt chém du khách và vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường.
Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham dự hiểu biết của tất cả mọi người cả người dân địa phương lẫn chính quyền sở tại và ý thức của du khách tất cả mọi người liên hệ đều phải được huấn luyện và giáo dục kỹ càng, và phải làm việc đồng bộ với nhau. Xác định được tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững Thái Bình nên có những biện pháp hợp lý giúp bảo vệ môi trường và tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch, góp phần khẳng định vị thế của du lịch Thái Bình trong phát triển du lịch của cả nước.