Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề thường xuyên và nghiêm trọng trong cuộc sống của nhiều phụ nữ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Cũng như nhiều xã hội khác, BLGĐ ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp. Nó được tiếp sức bởi tư tưởng văn hóa, niềm tin mạnh mẽ về gia đình và vai trò giới trong quá khứ.
Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa nam và nữ được chính thức thừa nhận trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Tuy nhiên, nam giới tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo trong và ngoài gia đình trong khi phụ nữ chịu trách nhiệm chính về việc nhà và chăm sóc con cái. Quan niệm cho rằng người chồng có thể dùng vũ lực như một cách hợp pháp để giáo dục và chấn chỉnh vợ mình thường được đưa ra để hợp lý hóa hành vi bạo lực thành một cách hữu hiệu để duy trì sự kiểm soát đối với phụ nữ.
Trên toàn cầu, tính trung bình, cứ 3 phụ nữ thì ít nhất có 1 người trong đời từng bị đánh, bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc bị bạo lực theo hình thức khác bởi chồng hoặc bạn tình. Tại một làng của Việt Nam, chỉ 3,5% số nam giới và 23% số phụ nữ tham gia một khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam coi việc đánh vợ là không thể chấp nhận được và bạo lực gia đình là nguyên nhân của 66% tổng số các vụ ly hôn.
Hậu quả của bạo lực gia đình có thể vô cùng to lớn đối với cá nhân, gia đình, xã hội. Các nạn nhân có thể bị tổn hại về thể chất, tinh thần và tài chính. Bạo lực còn đe dọa sự bền vững của gia đình và ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các thành viên gia đình, kể cả những trẻ em phải chứng kiến bạo lực và lớn lên trong một môi trường xung đột, không hạnh phúc. BLGĐ ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn, sức khỏe và trật tự xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế bởi chi phí y tế, nghỉ ốm và giảm năng suất lao động của nạn nhân.
Để chấm dứt vòng tròn BLGĐ, cần có sự phối hợp cộng đồng cùng giải quyết. Mỗi một bộ phận trong cộng đồng đều có một vai trò riêng: các tổ hòa giải, hệ thống tư pháp hình sự và hành chính, hệ thống luật dân sự, UBND, các dịch vụ y tế bao gồm cả sức khỏe tâm thần, hệ thống giáo dục, các phương tiện thông tin đại chúng và các nhóm dân sự xã hội. Cơ quan tư pháp phải phối hợp với các cơ quan khác để giải quyết vấn đề BLGĐ một cách hiệu quả, tuy nhiên cơ quan tư pháp có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa BLGĐ khi đảm bảo an toàn cho các nạn nhân của bạo lực và buộc người gây bạo lực phải chịu trách nhiệm, giúp các nạn nhân tiếp cận tốt hơn với hệ thống tư pháp và thay đổi cách đối xử của cán bộ hành pháp và tư pháp với nạn nhân. Phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng trước hết công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội./.