Search by category:
Tin tức

Quà quê Thái Bình

    Các loại bánh dân dã của Thái Bình vừa mang những nét ẩm thực đặc trưng của vùng đồng bằng bắc bộ, vừa mang những hương vị riêng củ quê nhà. Bánh được làm từ những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi (bột gạo, đỗ, lạc, vừng, dừa, lá chuối, lá dong, lá gai) với cuộc sống của con người nơi đây. Từ đôi bàn tay tài hoa, những hương vị đậm chất quê, tình quê đã níu chân những người con đi xa, thập khách bốn phương

 Bánh gai Đại Đồng – Tân Hòa – Vũ Thư

Nhắc đến bánh gai, hẳn ai cũng nghĩ đến bánh gai Đại Đồng – Vũ Thư. Chứng kiến các công đoạn làm bánh, thực khách sẽ không khỏi trầm trồ thán phục vì các công đoạn tỉ mẩn, kĩ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu (lá gai, vừng, dừa, nhân đỗ) đến các thao tác lên khuôn bánh. Một nghệ nhân làm bánh lâu năm tại đây tâm sự: “Nghề này là nghề làm hương làm hoa nhưng lại rất vất vả, thu nhập lại không cao, không mấy ai giữ được nghề lâu cũng vì thế, phải yêu nghề lắm em ạ”. Ăn thử miếng bánh gai Đại Đồng, thực khách sẽ cảm nhận vị thơm của nhân đỗ, quyện với nếp, vừng, dừa, ngọt sánh mà không quá gắt của đường khi bóc từng lớp vỏ bọc ngoài thân bánh. Nhiều du khách đã chọn mua về hàng chục cặp bánh gai làm quà vì vị ngon và giá cả hợp lí (khoảng 25.000đ/cặp 5 chiếc).

Bánh chưng Cầu Báng – Tân Bình – Vũ Thư

Bánh chưng vốn là thức quà quê quen thuộc của không chỉ người dân Thái Bình nói chung mà của cả người dân Việt Nam nói riêng. Bánh vuông vức, bọc bằng lá dong, mở gói bánh là mùi thơm của gạo nếp thơm và đỗ, xanh mướt màu. Không biết bằng công thức gì, cũng với từng ấy nguyên liệu và công đoạn, thưởng thức bánh chưng Cầu Báng, thực khách không khỏi trầm trồ khen ngợi. Khuôn bánh vuông vức, nhân bánh vừa đủ độ dẻo, vừa đủ độ ngậy của đỗ, thịt mỡ, hạt tiêu và các gia vị khác.

Bánh hú (bánh khúc) Vũ Thư

Bánh khúc là món quà sáng quen thuộc ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, ở Vũ Thư thứ bánh dân dã này còn được gọi là bánh Tầm Cúc (Tầm Khúc hay bánh Hú). Bánh khúc còn có 2 loại: khúc ông và khúc bà, nhưng khúc bà có lẽ là ngon hơn. Bánh khúc thường có hình tròn nhưng bánh Hú Vũ Thư lại có hình như bánh gối, nửa vầng trăng. Vỏ bánh được làm bằng bột gạo tám thơm trộn với nước lá khúc. Nặn xong, đặt hờ lên một tấm lá chuối tươi, phủ gạo nếp lên trên, hấp bằng chõ. Vì vậy bánh hú có mùi vị rất đặc trưng và dân dã.

Bánh nếp Tân Hòa

Bánh nếp Tân Hòa – Vũ Thư cũng được làm từ bột gạo nếp nhưng với công thức pha chế đặc biệt của người thợ làm bánh nơi đây, bánh có hương vị riêng độc đáo. Vẫn là vị thơm quyến rũ của nếp, vừng rang, nếm thử miếng bánh Tân Hòa, thực khách sẽ cảm nhận độ mát, béo của nếp mà không hề khô, dẻo quánh như bánh nếp thông thường. Mùa hè, ăn bánh nếp Tân Hòa, thực khách vẫn bị hấp dẫn, muốn ăn từ chiếc này sang chiếc khác mà không hề cảm thấy “nóng” và ngấy vì độ mát, trong mà vẫn quyện hương nếp của bánh.

Bánh giò bến Hiệp

Không biết có phải để thay đổi khẩu vị, dân gian đã sáng tạo ra một thứ bánh thanh mát làm bằng bột gạo tẻ là bánh giò? Bánh giò cũng là một loại bánh phổ biến trên khắp miền đất nước. Nhưng khi thưởng thức bánh giò Bến Hiệp, thực khách vẫn nhận ra nét riêng trong hương vị. Bánh ăn không thấy ngán, ăn lót dạ rất hợp lý. Bánh được bọc bằng lá chuối xanh từng chùm 5-10 chiếc. Nghề lành bánh giò cũng thật nhiều công phu. Chọn gạo tẻ không khô, không dẻo, không gãy, không được xát trắng, thịt mỡ tươi ngon, không nẫu, không nhũn, hạt tiêu phải là tiêu sọ thơm dịu, lá chuối gói phải là lá chuối goong.

 Còn rất nhiều loại bánh quê hấp dẫn ở Thái Bình để thực khách thưởng thức như: bánh đúc làng Tè, bánh bèo Thái Thụy…

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status