E-marketing ngày nay không chỉ đơn thuần là quảng cáo trên mạng internet. Đó là sự kết hợp các công cụ, trong đó khách hàng vừa là người tham gia, người đón nhận và tạo ra các hoạt động e-marketing.
E-marketing là một phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của khách hàng
Hành trình ấy bắt đầu khi khách hàng có mong muốn đặt chân tới điểm đến. Có nhiều cách để tạo động lực và sức thu hút của điểm đến đối với du khách: cung cấp các tài liệu (số hoặc ảo) đến thị trường khách mục tiêu, đưa tin lên các tạp chí về du lịch, phong cách sống…Sau đó, họ có thể lên kế hoạch, tìm kiếm thông tin về điểm đến, tự đưa ra các đề xuất hoặc tìm giải pháp để hiện thực hóa chuyến đi. Ngày nay, du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin trên các website của điểm đến, các trang nhật ký cá nhân trực tuyến (facebook, twitter…). Giải quyết các vấn đề phát sinh, du khách có thể đặt trước các tiện ích tại điểm đến (phương tiện vận chuyển, chỗ ăn nghỉ…) qua các website đặt phòng trực tuyến, đặt tour trực tuyến, đặt vé tàu, vé máy bay trực tuyến. Với lịch trình dự kiến, du khách sẵn sàng lên đường vào một thời điểm thích hợp. Khi họ đến và trải nghiệm điểm du lịch, những dấu ấn để lại trong chuyến đi sẽ tiếp tục trở thành động lực để họ tiếp tục quay trở lại điểm đến đó hoặc thúc đẩy bạn bè, người thân của họ đến với điểm du lịch mà họ vừa trải nghiệm. Một lần nữa, những điều du khách trải nghiệm sẽ có thể được lan truyền thông qua các công cụ trực tuyến như: nhật ký cá nhân, các trang chia sẻ hình ảnh (flickr, instagram…). Những hoạt động này cũng trực tiếp góp thêm hiệu quả vào hoạt động e-marketing cho điểm đến du lịch.
Các lợi ích e-marketing đem lại khá hấp dẫn:
Một khối lượng lớn thông tin với hình ảnh đẹp, sống động được truyền tải một cách thân thiện, tăng sự tương tác giữa điểm đến/tổ chức quản lý điểm đến và khách du lịch bằng các cộng cụ hiệu quả về mặt chi phí. Đặc biệt việc liện kết hoạt động xúc tiến với mua sắm online, đặt dịch vụ trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian cho du khách, vừa đem đến lợi ích kinh tế cho hoạt động e-marketing.
Thực trạng hoạt động e-marketing tại các điểm đến của Việt Nam:
Các điểm đến du lịch trên cả nước gần như chưa tối đa hóa hiệu quả của hoạt động e-marketing do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, một trong những điểm du lịch trong nước được đánh giá cao về hoạt động e-marketing là Đà Nẵng. Khi khách ghé thăm website tourism.danang.vn (cổng thông tin chính thức của du lịch Đà Nẵng), mọi tiện ích như mở ra trước mắt. Trang web có tính tương tác cao để lấy thông tin, đặt trước và lập kế hoạch cho chuyến đi. Website được kết nối với các video của youtube, kết nối với tripadvisor, kết nối với các điểm đến khác. Khách có thể đăng ký bản tin, sử dụng các phím mạng xã hội (youtube, instagram), sử dụng các công cụ lập kế hoạch, hộp tìm kiếm. Có thể ví website như một cái cây, các công cụ tiện ích như trang mạng xã hội, công cụ định vị điểm đến…là những nhánh để tạo nên một caí cây khỏe mạnh, đưa hình ảnh điểm đến gần gũi với du khách hơn.
Xây dựng chiến lược marketing phù hợp với thị trường khách mục tiêu
Các điểm đến du lịch trên cả nước có thể vận dụng mô hình cây internet marketing để tối đa hóa hiệu quả hoạt động e-marketing với chi phí hợp lý. Xây dựng một website với đường truyền ổn định, đưa các công cụ hỗ trợ vào trang web: các phím mạng xã hội, các hộp tìm kiếm, các tiện ích đặt lịch trực tuyến, tạo bản tin điện tử, email, gửi các mẫu thăm dò ý kiến điện tử…, hướng tới xây dựng nội dung marketing hấp dẫn tới thị trường khách mục tiêu. Marketing thông tin và các thông điệp phù hợp. Xây dựng chiến lược marketing hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch.