Thái Bình quê lúa tên gọi đã trở thành một thương hiệu, không ít những người bạn trong và ngoài nước ngỏ ý muốn về thăm.
Bầu trời xanh ngắt một màu mang theo những cơn gió đồng mát rượi được phủ lên mình màu vàng của nắng, của lúa. Mùa lúa chín, những cánh đồng thẳng cánh cò bay làm say lòng người.
Cánh đồng vào mùa gặt cũng là một không gian sinh hoạt độc đáo với những khoảnh khắc vui tươi rộn ràng.Tiếng máy gặt, tiếng cười đùa giòn tan trong khoảng mênh mông trời đất và lúa. Hít hà mùi lúa mới thơm sực, mùi rơm rạ, mùi bùn đất quả thật rất thú. Nó hoà quyện thành thứ mùi đặc trưng mà mỗi người con lớn lên từ đồng đất nông thôn không dễ gì quên được. Mặt trời tắt nắng, người nông dân thong thả trở về nhà sau một ngày lao động vất vả.
Những hình ảnh đẹp ấy tưởng chừng chỉ còn lưu lại trong thơ ca. Nhưng trong chuyến du lịch ngẫu hứng về Đông Cường – Đông Hưng – Thái Bình, tôi đã gặp lại tuổi thơ đầy nắng, gió, ấm ôm bởi những cây lúa thân thương qua nụ cười của chị công nhân tan ca, chầm chậm bước lên từ cánh đồng.
Như một duyên may, mong muốn ấy sẽ dần thành hiện thực, tôi tin như thế khi xe bon bon từ thành phố, qua những hàng phi lao xanh mướt, qua những dọc dài cây trái, cơ man nào là vải, là xoài, là ổi. Kết thúc 20km hành trình, mở rộng trước mắt tôi là cánh đồng ngút ngàn được quy hoạch tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới trực thuộc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Các chị công nhân tay thoăn thoắt chọn giống, miệng cười đùa, nhiệt tình chỉ cho tôi cách phân biệt đâu là giống lúa lai ngoại nhập, đâu là giống thuần, cách chọn giống, cách thu hoạch chuyên nghiệp và thủ công…Hơn nữa, tôi học được lòng yêu nghề, yêu cây lúa, thêm tự hào về quê hương “5 tấn” bởi thương hiệu giống lúa Thái Bình đã được chắp cánh bay xa.