Thái Bình là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Trung tâm tỉnh là thành phố Thái Bình cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, cách thành phố Hải Phòng 70 km về phía tây nam. Thái Bình tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định. Trong những năm qua, tour du lịch liên vùng Thái Bình – Hải Phòng, Thái Bình – Nam Định, Thái Bình – Hà Nội được du khách ngày càng ưa chuộng.
Những năm gần đây, du lịch sinh thái biển đang phát triển mạnh mẽ đem đến nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với những du khách bấy lâu nay vốn chỉ hình dung đến Thái Bình như một miền quê yên ả của những biển lúa mênh mông bát ngát. Vào một ngày cuối tuần đẹp trời, xuôi theo quốc lộ 10 đến ngã Tư Gia Lễ thuộc huyện Đông Hưng, từ Hải Phòng rẽ trái, từ Nam Định rẽ phải, chạy xe thẳng tiến qua cầu Vô Hối thuộc mảnh đất Thái Thụy du khách sẽ đặt chân đến Khu du lịch sinh thái Cồn Đen tại xã Thái Đô, Thái Thụy, Thái Bình. Đường vào Cồn Đen là một cây cầu dài khoảng nửa km, băng qua đầm lầy ngập nước vốn được bồi tụ bởi phù sa và cát của sông Trà Lý. Thảm thực vật nơi đây mang đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo với các loại dừa nước, muống biển, cây vẹt, cây sú. Sự nguyên sơ chính là nét đẹp độc đáo tại Cồn Đen. Vừa ở đầm lầy ngập nước nhưng chỉ vài bước du khách đã đặt chân xuống địa hình đất pha cát. Vào những ngày nắng nóng, đi dọc chiều dài khoảng 3km ở Cồn Đen có lẽ bất cứ ai cũng cảm thấy dịu mát hơn khi ngắm dải thông xanh mướt đung đưa theo nhịp gió biển hoặc thả mình vào làn nước mát của hồ bơi nhân tạo phía bên trong Khu sinh thái.
Sau một ngày nghỉ ngơi tắm biển tại Cồn Đen du khách có thể xuôi đường về thành phố Thái Bình, thăm nhà thờ lớn và giáo phận đặt ngay trung tâm thành phố, thưởng thức trà chanh nhà Thờ, đi dạo dọc bờ đê sông Trà Lý. Ngày hôm sau, du khách có thể lựa chọn tour tham quan mua sắm tại đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái huyện Kiến Xương. Đền Đồng Xâm được xem là tập đại thành về nghệ thuật khắc gỗ, đá, kim loại và đắp vữa thời Nguyễn. Trung tâm quần thể đền Đồng Xâm bao gồm các công trình kiến trúc với quy mô đồ sộ như vọng lâu, thủy tọa, hoành mã, tòa tiền tế, phương đình, hậu cung, nhà thờ tổ nghề chạm bạc. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vốn nổi tiếng với các sản phẩm đúc chạm tinh xảo “khéo làm nông, thông chạm bạc”. Vì thế trải qua mấy trăm năm, trải qua bao thăng trầm, tiếng búa, tiếng đục vẫn vang lên trên mảnh đất này. Thời đỉnh cao, các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào kinh đô Huế, chạm trổ trang sức, cung kiếm cho triều đình. Hiện nay, chạm bạc Đồng Xâm đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang phạm vi cả nước xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc trưng của sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm chính là sự tinh tế, hoàn hảo trong từng chi tiết trên sản phẩm. Ngoài ra, tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân chạm bạc nơi đây đã và đang đáp ứng được mọi nhu cầu của những vị khách khó tính nhất. Chính vì lẽ đó, sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm sẽ là những món quà thú vị, độc đáo cho người thân.
Rời Đồng Xâm, du khách lên đường thăm chùa Keo, một trong những ngôi chùa được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam, một bảo tàng nghệ thuật thế kỷ 17 với nhiều kiệt tác điêu khắc. Tọa lạc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, chùa Keo đã hơn 400 năm tuổi, là niềm tự hào của người dân Thái Bình và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với người dân quê lúa. Chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê, một trong số rất ít những ngôi chùa cổ của Việt Nam còn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc. Những gian nhà xếp nối nhau bên trên đỉnh chóp mái ngói là hoa văn cách điệu hình tượng “cá chép hóa rồng”. Tòa hiện còn 17 công trình, 128 gian, thiết kế theo kiểu nội công, ngoại quốc. Các bức tượng phật, tượng La Hán tại chùa Keo đều uy nghi, sống động, mang những cử chỉ, dáng điệu khác nhau không chỉ toát lên cái hồn của đạo phật mà còn khẳng định bàn tay tài hoa của những nghệ nhân dân gian xưa.
Càng đi du khách sẽ càng thấy Thái Bình là địa phương có nguồn tài nguyên nhân văn phong phú tiêu biểu cho nền văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các di tích được phân bố tương đối tập trung và hình thành một số cụm thuận lợi cho phát triển du lịch như cụm di tích đền Đồng Bằng (huyện Quỳnh Phụ), cụm di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần (huyện Hưng Hà), cụm di tích chùa Keo (Vũ Thư). Thái Bình được coi là vùng quê có đời sống tinh thần phong phú “sáng rối, tối chèo” nhiều trò chơi, trò diễn dân gian phong phú nổi danh một thời nay vẫn được bảo lưu và phát huy trở thành một trong những nét độc đáo của du lịch Thái Bình.