“Xưa và nay gác chuông chủa Keo từng là biểu tượng vĩnh hằng cho văn hóa tỉnh Thái Bình. Người ngoài tỉnh, người ngoài nước khi muốn tìm hiểu về Thái Bình thường tìm đến biểu tượng này trên các sản phẩm văn hóa. Du khách trong và ngoài nước khi về Thái Bình muốn đi du lịch, thăm các di tích danh thắng không thể không đến chùa Keo”. (Nguyễn Thanh)
Gác chuông chùa Keo (ảnh Fanpage Tổ Đình chùa Keo)
Chùa Keo Thái Bình là Di tích Quốc gia đặc biệt, là di sản văn hoá vật thể điển hình trên dòng chảy lịch sử, kiến trúc Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Chùa nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thờ Quốc sư Dương Không Lộ. Chùa vốn được dựng từ thời Lý, đến năm 1630 được xây dựng lại. Trải qua hơn 400 năm, chùa Keo vẫn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cổ và hiện được coi là 1 trong 3 ngôi chùa gỗ cổ đặc biệt trong số 10 kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam và là ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc gỗ lớn nhất toàn quốc. Nếu hội Xuân (mùng 4 tháng Giêng) là hội lễ nông nghiệp, hội thi tài thì hội Thu (13 – 15 tháng 9 âm lịch) ngoài tính chất là hội thi tài còn là hội lịch sử, hội văn nghệ.
Hội xuân chùa Keo ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp trong đó đáng chú ý là ba trò thi bắt vịt, nấu cơm và ném pháo, trong đó trò thi nấu cơm là hấp dẫn nhất, sôi động nhất với sự tham gia hào hứng của cả làng. Thi kéo lửa nấu cơm là phong tục tập quán từ lâu đời của bà con làng Keo, đó không chỉ đơn thuần là một trò chơi, mà đó còn có ý nghĩa nguồn cội tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Tổ. Tham gia hội thi có 4 đội là những thanh niên trai tráng của làng Keo, mỗi đội với 8 thành viên phối hợp nhịp nhàng trong các công đoạn như người chạy lấy nước, người kéo lửa, người nấu cơm. Thời gian cuộc thi được khống chế từ khi kéo lấy lửa đến hoàn thiện một nồi cơm chín chỉ trong vòng 3 hồi trống hoặc một trổ hát dân ca. Cơm của đội nào dẻo, thơm nhất, chín đều sẽ giành giải nhất của làng.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, các hoạt động phần hội tại lễ hội xuân chùa Keo đều tạm dừng, chỉ có lễ khai chỉ, mở cửa đền Thánh được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với hạn chế số người tham dự.
Thúy Hường