Search by category:
Tin tức

Di tích lịch sử văn hóa Đền Bà Chúa Mẫu thôn Đại Đồng – xã Tân Hòa

    Lễ hội Đền thờ Bà Chúa Mẫu thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa thường được diễn ra vào ngày 20, 21 và 22/7 âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như rước kiệu, tế mẫu, các trò chơi dân gian…

Bà Chúa Mẫu tên thật là Nguyễn Thị Bảo, sinh ra ở ấp Lại Ỷ Trang, nay là thôn Đại Đồng xã Tân Hòa. Xuân thì bà rất đẹp, nét mặt tươi như hoa, vẻ đẹp như tiên giáng thế. Bà làm bạn đời với ông Trần Đạo Huấn, là con cụ Trần Tướng Công xã Vạn Hải, huyện Phú Ninh. Sau 3 năm hương lửa, ông bà sinh được người con trai đầu đặt tên là Trần Đạo Trí. Cách 3 năm sau sinh thêm người con gái đặt tên là Trần Thị Nhuận. Ông Trần Đạo Trí khi lên 5 tuổi đã đọc sách, xem chữ không đợi thầy bảo, tính hay đàn sáo, tinh thông âm luật. Năm 12 tuổi ông đỗ trạng nguyên, vua Anh Tông gọi gả công chúa cho, song ông từ chối. Sau này ông về núi Yên Tử (thuộc Chí Linh, Hải Dương ngày nay) cùng với ông Pháp Loa là Đệ nhị Tổ sư nước Nam lúc bấy giờ tuyên diễn kinh kệ. Ông mất ngày 12 tháng 2 âm lịch. Đến đời vua Hưng Long năm thứ 3 (1295) đã gia phong cho ông là Trúc Lâm Huyền Quang Tổ.

Người con gái Trần Thị Nhuận lúc nhỏ lấy tên hiệu là Kim Hoa. Lúc Kim Hoa 16 tuổi tóc dài sáng suốt, nhan sắc dịu dàng, cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Bảo bán hàng nước trước cửa chùa Tiểu Long. Ngày ngày hiến quả cúng Phật ở chùa để tu nhân tích đức. Khi vị sư trụ trì chùa Tiểu Long sắp viên tịch có gọi mẹ con bà vào và nói rằng: Mẹ con bà thành tâm nơi cửa Phật, bần tăng không có gì báo đáp, nay tặng cho bà quả gỗ, sau này sẽ có duyên phận giúp ích quốc gia. Sau khi trao quả gỗ vị sư nói nhỏ: Khi nào có mộng vua mời thì mang quả gỗ đó để cứu hoàng tử. Năm Kỷ Mão 1279, con vua Trần Nhân Tông tên là Thuyên lên 2 tuổi mắc bệnh khóc dạ đề không ai dỗ được, các thầy thuốc ở Thái y viện đều bó tay. Vua cho sứ giả đi tìm danh y về triều chữa bệnh cho hoàng tử. Nhận được chiếu vua ban, mẹ con bà vội mang quả báu theo sứ giả về Thăng Long vào cung thăm bệnh cho hoàng tử. Trông thấy hoàng tử gầy còm, hình hài tiều tụy gào khóc, bà liền đưa quả gỗ ra, hoàng tử cầm quả gỗ nín khóc và giơ tay theo bà. Thấy lạ, hoàng hậu tâu lên vua, vua mời bà ở lại trong cung làm mẹ nuôi hoàng tử. Niên hiệu Trùng Hưng thứ 3 (1287), hoàng tử Thuyên được lập làm Thái tử. Năm Quý Tỵ 1293, vua truyền ngôi cho Thái tử Thuyên, tức vua Trần Anh Tông, lấy niên hiệu là Hưng Long. Năm Hưng Long thứ 3 (1295) mẹ nuôi đã già yếu và muốn xin nhà vua cho về quê hương ở làng Lại Ỷ. Vua Anh Tông phong tôn hiệu Trần Triều Hoàng Thái Hậu, bà Trần Thị Nhuận làm Thái phi, được phong tôn hiệu Bảo Từ Vương Công Chúa; phê chuẩn 1287 mẫu lộc điền thuộc xã Kim Kê, huyện Chân Định, sống để lập ấp, chết làm hưởng hỏa không cùng, cho dân dọn đường, rước thầy địa lý xây cung phủ để mẹ nuôi ở và một số cung nữ hầu hạ.

Năm Kim Long thứ 15 (1308), mẹ nuôi qua đời, vua Anh Tông ngự giá về làng Lại Ỷ lo việc tang. Dâng tôn hiệu Hoàng Thái Hậu, xây lăng mộ phía sau cung phủ, cho sửa sang  cung phủ thành Miếu thờ Hoàng Thái Hậu. Trải qua trên 700 năm, lăng mộ và miếu thờ Hoàng Thái Hậu vẫn nguyên vị trí cũ, song kiến trúc đã thay đổi nhiều lần. Miều thờ và lăng mộ hiện nay được sửa sang và xây dựng vào đời vua Khải Định (1925) theo kiến trúc ‘‘tiền nhất hậu đinh’’, phía trước là chữ nhất, phía sau là chữ đinh. Hướng bắc từ ngoài vào là cổng, kiến trúc dạng tam quan, hai cửa hai bên, cổng chính ở giữa có gác kiểu chồng diêm, mái cong đao đắp hình mây cuốn. Qua đoạn đường ngắn lát gạch tới tòa tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, hậu cung một gian và sân 3 gian. Tổng cộng 11 gian gỗ tứ thiết, kèo cột bào trơn đóng bén không trạm trổ. Phía trong là khảm gỗ, chạm trổ tinh vi nơi đặt tượng Hoàng Thái Hậu; hai hương án, một cỗ kiệu bát cống trạm trổ cầu kỳ và đôi câu đối minh họa:

‘‘Công tại hoàng gia, tên ở sử

Tôn làm Mẫu hậu, hưởng làm thần’’

Khu di tích lịch sử văn hóa Bà Chúa Mẫu thôn Đại Đồng còn là nơi cơ sở hoạt động cách mạng, nơi thành lập chi hội thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của xã Tân Hòa. Tháng 3 năm 1930 ông Phạm Văn Thúc, thay mặt cho tỉnh ủy về kết nạp 5 đảng viên đầu tiên của địa phương tại ngôi đền này. Từ đây khu lăng miếu trở thành cơ sở hoạt động cách mạng trong suốt thời kỳ bí mật 1930 – 1945. Năm 1943, ông Tùng Giang – cán bộ xứ ủy Bắc kỳ về đây thành lập khu đặc biệt của xứ ủy. Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945, các đoàn cán bộ của tỉnh, của huyện về thăm và chỉ đạo phong trào. Đồng thời đây cũng là nơi kết nạp những thế hệ Đảng viên cộng sản kết tiếp sau này.

Ngày 19 tháng 5 năm 1997, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở văn hóa thể thao và du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng. Ngày 2/9/2015, khu di tích vinh dự được đón bằng công nhận Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam cho hai cây nhãn trong khuôn viên Đền thờ.


Đức Ngọc

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status