Search by category:
Tin tức

Tín ngưỡng thờ mẫu

    Thờ Mẫu – theo nghĩa Hán Việt là thờ Mẹ; thực chất là thờ phụng, tôn vinh sự sinh sôi nảy nở của vạn vật muôn loài. Tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người dân Thái Bình là sự tin tưởng ngưỡng mộ những vị nữ thần, gắn với các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ, được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người.

Theo các nhà nghiên cứu: tín ngưỡng thờ Mẫu có từ rất sớm – từ thời nguyên thủy. Nhưng phát triển rực rỡ và thực sự trở thành như một tôn giáo – thành đạo Mẫu Việt Nam là vào khoảng thế kỷ XVI. Các tôn giáo lớn ở nước ta đều từ nước ngoài du nhập vào; nhưng đạo Mẫu là đạo thuần Việt, mang nội hàm nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công ơn người xưa. Đạo Mẫu Việt Nam hoàn toàn do ông cha ta sáng tạo ra, là vẻ đẹp văn hóa thánh thiện – văn hóa phi vật thể và cả vật thể, vừa thiêng liêng quyền năng huyền bí, vừa gần gũi đời thường. Ông cha ta đã tạo dựng nên những đền, những phủ, những điện thờ Mẫu. Nhiều cơ sở đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa.

Tín ngưỡng thờ Mẫu không gò bó, cứng nhắc, mà luôn thích nghi, tự đổi mới để tồn tại và phát triển theo thời gian, không gian. Thờ Mẫu không chỉ là ước vọng của người xưa mà cũng là tâm nguyện của hiện tại, cùng con người đương đại hướng tới tương lai. Muốn thế, người thành tâm thờ Mẫu phải gắng công học hỏi, tu tập; phải tự sửa mình; phải siêng điều lành, năng việc thiện. Người thờ Mẫu – hầu Thánh chân chính phải là người vừa có tâm vừa có tuệ là vậy.

Lên chùa, xuống phủ, đến với Phật, về với Mẫu, mọi người hướng tới sự thanh thản, an vui. Những người thờ mẫu ai cũng vui tươi, hể hả, mãn nguyện; tâm hồn như được thanh lọc, trong trẻo, thiện nguyện hơn. Suy cho cùng, đó cũng là nhu cầu tất yếu, vì con người “tính bản thiện”; là biểu hiện ước mơ ngàn đời muốn thay đổi thân phận để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Bà con lên chùa, xuống phủ, nhất tâm cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, bách gia trăm họ, bản mệnh bình an, tài lộc song toàn và bòn phúc cho con cháu. Vì thế, đây thực sự là biểu thị giá trị văn hóa bản địa có sức sống trường tồn của tâm hồn Việt.

Theo đạo Mẫu: Bốn miền trong vũ trụ ứng với tứ phủ:

– Mẫu Thượng Thiên: Cai quản vùng trời

– Mẫu Thượng Ngàn: Cai quản miền rừng núi

– Mẫu Thoải (tức Thủy): Cai quản vùng sông nước

– Mẫu địa: Cai quản đất đai.

Khái niệm Mẫu còn được mở rộng tới các bậc anh hùng, liệt nữ, các ông Hoàng, bà Chúa khi sống yêu nước thương dân, có công lớn với đất nước; khi về Trời lại hiển linh cứu dân độ thế như: Quốc Mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu Thánh Gióng, ông Hoàng Bẩy, ông Hoàng Mười, Bát Nạn Tướng Quân, Trần triều hiển Thánh… Trong các Mẫu thì Mẫu Liễu Hạnh được coi như là vị giáo chủ, như Mẫu Thượng Thiên giáng trần giúp dân, cứu nạn, cứu khổ, gia hộ muôn nhà.

Với ba kiếp giáng trần ở Vi Nhuế, Vân Cát, Nga Sơn, Sòng, Lạng Sơn, Tây Hồ và hơn 600 năm ngời sử sách, Mẫu Liễu Hạnh được các triều đại tôn phong là Đế nữ, Đại vương, Thượng đẳng tối linh thần. Mẫu Liễu vừa là Thánh, vừa là Nho, là Tiên, là Phật. Trong tứ bất tử, Ngài duy nhất là phụ nữ, trong bộ tứ uy linh, lừng lẫy, trong Thần điện Việt.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, một nghi lễ đặc trưng tiêu biểu là nghệ thuật hầu đồng, còn gọi là hầu bóng. Nghi lễ hầu bóng đặc biệt ở chỗ vừa thể hiện quyền năng huyền bí tối linh, vừa giao lưu giữa Thánh thần với hiện thực trần thế; vừa biểu thị lòng ngưỡng mộ, tri ân nguồn cội và cầu mong, gửi gắm niềm tin tưởng sâu xa. Nội dung các giá đồng thông qua các hình thức diễn xướng, ước lệ nhằm tái hiện sinh động cuộc sống xa xưa: những sự kiện lịch sử, những sự tích anh hùng của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước, giữ nước, tô điểm non sông, cứu dân độ thế.

Đi hầu đồng, ai cũng vui vẻ, nhẹ nhõm, thanh thản; ai cũng muốn thể hiện lòng nhân ái, bao dung; như không hề vướng bận sân si, tị hiềm, đố kị. Điểm đặc sắc bao trùm các giá đồng là tính chất nghệ thuật tổng hợp, là không khí thiêng liêng, thánh thiện. Những ngọn nến lung linh huyền ảo. Các làn điệu chầu văn: cung đàn giọng hát thánh thót, ngọt ngào, dìu dặt, nhặt khoan. Những khăn chầu áo ngự lộng lẫy kiêu sa. Những đường nét vũ đạo mềm mại, bay bổng, uyển chuyển. Những khoảnh khắc thăng hoa. Và niềm hân hoan, rộn ràng khi được Mẫu ban tài, phát lộc… Những người tới tham dự không chỉ được Mẫu ban phước lộc mà điều quan trọng hơn là được tham gia hòa đồng trong không khí sáng tạo và cùng hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật. Tất cả cùng cộng hưởng, tạo nên bản sắc văn hóa quen mà lạ, sự tinh tế và sức cuốn hút kỳ lạ.

Lễ hội truyền thống là bảo tàng sống của văn hóa cổ truyền. Ôn cố, tri tân, chúng ta thừa kế, chọn lọc, gạn đục, khơi trong và phát huy những giá trị tinh thần, những tinh hoa văn hóa tâm linh của tục thờ Mẫu, góp phần xây dựng nền văn hóa mới – nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thiết thực góp phần làm phong phú đương đại; đem lại niềm an vui, niềm tin yêu cuộc đời và hướng mọi người tới chân, thiện, mỹ.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status