Cá khoai có nhiều ở vùng biển Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa ra đến Quảng Ninh là đã hiếm, vào đến miền trung là ít người biết đến. Ngày trước, cứ mỗi khi nước lên, thuyền về bến, những chục cá khoai tươi rói theo các bà các chị tất tả bán rong khắp các con ngõ nhỏ trong làng. Nay thứ ăn dân giã của người miền biển đã trở thành đặc sản.
Ở Thái Bình, mùa cá khoai bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 2 âm lịch, đặc biệt là vào những ngày trời nhiều sương mù là thời điểm có nhiều cá khoai nhất. Cá khoai có nhiều nhất ở vùng cửa biển Thái Thụy và Tiền Hải.
Cá khoai, như tên gọi của nó, tựa như những củ khoai lang đã gọt vỏ và hơi có phần èo uột. Nó là thức ăn dân dã của những người dân quê vùng biển, xưa kia người thành phố không mấy người biết đến món cá khoai, những người nông dân vùng biển thậm chí còn lấy cá khoai làm thức ăn chăn nuôi gia súc trong nhà.
Cá khoai có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon,bổ dưỡng như nấu rau cần, nấu cháo, nhúng lẩu nhưng ngon nhất có lẽ là nấu chua, thêm vài cây rau răm, thìa là và hành hoa. Thịt nó trắng, mềm vị ngọt đậm đà ăn ghém cùng chút rau riếp mỡ thái nhỏ.
Có điều rất thú vị mà các cụ xưa thường đúc kết là mùa nào thức ấy. Mùa Đông có nhiều loại rau để ăn sống, nhiều loại rau làm gia vị cũng thường được trồng nhiều vào mùa Đông như: hành tỏi, mùi, thì là… Đây cũng là mùa đánh bắt cá khoai.
Ăn bát canh cá khoai sẽ thấy vị chua thanh mát của cà chua lẫn với vị ngọt bùi nhuốm mùi mặn mòi của biển cả trong từng miếng cá khoai, thêm chút vị cay rân rân, tê tê đầu lưỡi của ớt… Tất cả hoà quyện vào nhau thành món ăn dân dã mà say lòng người, ăn no mà không biết chán.