Đình Phượng Cáp nằm ở chính giữa Thôn Phượng Cáp xã Hiệp Hoà. Bao quanh Đình là 7 xóm gồm: Tân Sơn, Đồng Hoa, Cộng Hoà, Hợp Tiến, Hoà Bình, Hồng Quang và Tân Dân.
Nhiều tư liệu ảnh quý về Bác Hồ với nhân dân Thái Bình được lưu giữ tại đây.
Đình Phượng Cáp được khởi công xây dựng từ năm Bính Tuất 1889 đời vua Thành Thái tính đến nay là 124 năm. Đình được dựng toàn bằng gỗ lim, Đình có 70 cột gỗ lim. Đình lớn có 5 gian mỗi gian diện tích 2,8m x 6,1m = 17,08 m2. Đình nhỏ cũng có 5 gian, mỗi gian có diện tích 2,4 m x 4,1m = 9,84 m2. Sân đình rộng 300 m2. Bao quanh đình được thưng bằng gỗ lim, sau lần trùng tu thứ hai vào những năm 1990 thì tường bao xung quanh được xây bằng gạch chỉ có mặt tiền vẫn bằng gỗ nằm trong quần thể văn hoá làng Việt cổ. Phía sau Đình có chùa Cáp, quá về phía Tây Bắc sau Đình có miếu Cáp. Giáp Đình phía Tây là nhà văn hoá của thôn mới được xây dựng.
Từ ngày xây dựng, Đình Phượng Cáp là nơi tôn thờ các vị thần Thành Hoàng làng. Hiện còn 5 cỗ ngai có kiến trúc cổ kính trạm trổ long ly quy phượng là bài vị thờ Thành Hoàng, 1 cổ khảm cùng với một số đồ thờ bằng đồng, bằng gỗ, Đình cũng dành một bàn thờ để thờ 206 liệt sĩ của xã. Đình Phượng Cáp trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp – đây là nơi trung chuyển giao liên từ tỉnh Nam Định qua sông Hồng về hội tụ tại đây rồi vượt sông Trà Lý sang phía Bắc tỉnh và huyện Tiên Hưng nằm trong mạch máu quan trọng của Quân Khu 3; là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của huyện uỷ Thư Trì quyết định mọi đường lối kháng chiến để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Đình Phượng Cáp còn là chiếc nôi của phong trào bình dân học vụ. Đình cũng là nơi xuất quân của các trận công đồn phá bốt như trận kỳ tập bốt Thanh Hương, trận đánh bốt Mỹ Lộc mà quân dân ta đã chiến thắng oanh liệt. Chính vì vậy mà Đình còn ghi rõ các dấu tích bom đạn của giặc Pháp trong các lần đánh phá 1952, 1953.
Vào năm 544 thế kỷ thứ 6 vua Tiền Lý Nam Đế trên đường đi đánh đuổi quân Lương, đi đến giải đất Tây Màn để (nay là thôn An Để, thôn Phương Tảo) thấy phong cảnh làng xóm nơi đây tựa Thành Thị, cửa nhà sinh tựa núi sông, hoa cỏ đẹp như tranh. Đất hẹp nhưng thừa trung khí, nên nhà vua cho lập luỹ, dựng cung thành ở nơi đây (nay là Miếu Hai Thôn – thôn Phương Tảo, xã Xuân Hoà).
Vào thời nhà Lê thế kỷ thứ 18 một vị vua trên đường đi lánh nạn khi đi qua chùa Phượng Cáp, thấy trong chùa có nhiều pháp sư, xưa kia là ngôi chùa cổ kính, nơi đất phật tôn nghiêm, nhân dân no đủ, yên ổn hoà vui, nhà vua liền nghỉ tại nôi đây. Trước khi rời khỏi ngôi Chùa Cáp tự tay nhà Vua viết 3 chữ đại tự lên Chùa đó là Hộ Quốc Tự nghĩa là (Chùa giữ nước) làm bút tích ghi công ơn của nhà Chùa và nhân dân nơi đây đã có công che chở cho nhà vua những ngày lánh nạn tai đây.
Ngày 1/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình, xã Hiêp Hoà là nơi đón Bác. Nơi đây có nhiều phong trào, có nhiều thành tích trong chiến đấu, trong lao động sản xuất có được tiếng vang lớn được Tỉnh Uỷ – UBND Tỉnh nắm chắc, được Chính Phủ, Bác Hồ về thăm.
Đình Phượng Cáp được công nhận di tích lịch sử theo quyết định số 2015-VH/QĐ ngày 16 tháng 12 năm 1993. Hiện nay cụm di tích cần được các cấp có thẩm quyền và nhân dân quan tâm đầu tư, duy trì tôn tạo để phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hoá cách mạng xứng với tầm di tích cấp Quốc gia.
Đức Ngọc