Chiều ngày 30/8, tại Khách sạn White Palace, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình phối hợp với Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình” năm 2019.
Đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo.
Tới dự và chỉ đạo có các đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh. Đồng tới dự còn có hơn 60 đại biểu gồm một số nhà nghiên cứu khoa học thuộc các trường Đại học; đại diện lãnh đạo Vụ Lữ hành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Sở VHTT&DL, Sở Du lịch thuộc khu vực Đông bằng sông Hồng; các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành trên toàn quốc, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở tỉnh và đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương.
Trước đó, chiều ngày 29/8 và sáng 30/8 các đại biểu về dự hội thảo đã tham gia chương trình khảo sát định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thái Bình tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm huyện Kiến Xương, rừng ngập mặn Thụy Trường và Khu du lịch sinh thái Cồn Đen huyện Thái Thụy, làng vườn Bách Thuận huyện Vũ Thư.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định Thái Bình có đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng, du lịch Thái Bình chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Thái Bình cần xác định rõ điểm mạnh của địa phương để tập trung phát triển tạo sản phẩm và thương hiệu riêng cho du lịch Thái Bình. Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất như: chuyển đổi các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch; đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm, phát triển du lịch văn hóa gắn liền với cây lúa – một biểu tượng của tỉnh Thái Bình; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, liên kết hợp tác với các tỉnh đồng bằng sông Hồng để tạo thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của đại biểu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình nghiêm túc tiếp thu, từ đó có kế hoạch để từng bước nghiên cứu, áp dụng tại các khu, điểm du lịch cụ thể trong tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh về những nội dung, giải pháp hiệu quả để lựa chọn được các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thái Bình, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có, góp phần đưa du lịch tỉnh nhà nhanh chóng hội nhập với khu vực và các tỉnh thành trong cả nước.