Search by category:
Tin tức

Hưởng ứng dự án “Sách hóa nông thôn”

    Đối với một đứa trẻ, sách là cả một bầu trời mới lạ với nhiều viễn cảnh của thế giới xa lạ ngoài kia. Đối với người già, sách là người bạn tri âm. Tuy nhiên việc tiếp cận sách của trẻ em và người già ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Thư viện xã gần như không hoạt động. Thư viện nhà trường đầu sách ít, khó có thể được mượn về nhà, tủ sách gia đình gần như không có.

Tôi còn nhớ những cuốn sách, phong thư cất kĩ trong tủ gỗ của ông ngoại là cả một thế giới bí mật mà cô cháu muốn khám phá. “Cuộc phưu lưu của Xê-muy-en-pinh” là một tác phẩm văn học Nga khá dày trang, những con chữ đã ngả màu trên nếp giấy không còn trắng sáng vẫn đầy thu hút. Sau nhiều năm, gần như không còn nhớ nội dung nhưng tôi vẫn mường tượng chút ít những chi tiết lặt vặt của câu chuyện diễn ra trong trí tưởng tượng của mình. Tôi vẫn nhớ những say mê, háo hức, niềm vui khó tả và gần như không dứt ra được với từng chặng từng chặng trong cuộc phưu lưu của nhân vật nam ấy. Những trưa hè mải miết lật từng trang sách đọc ngấu nghiến. Có lần tôi đọc một quyển tiểu thuyết ngôn tình gối đầu giường của dì út, không quá ướt át nhưng cũng gây nhiều tò mò. Cứ có sách gì, tôi đọc sách ấy. Không có nhiều sự lựa chọn. Tôi nhớ khi bé, thỉnh thoảng bố mua cho một vài cuốn truyện kiểu như: “Bà già trong quả bầu” hay cuốn “Văn học thiếu nhi tỉnh Thái Bình” là những câu chuyện về “tuổi thơ rơm rạ” hay, độc đáo mà có lẽ tôi đã rất may mắn được đọc. Thậm chí “sách nói” cũng là một loại hình sách đặc biệt đối với thế hệ tôi. Mỗi lần nghe anh Viết Duy kể các chương truyện “Tuổi thơ dữ dội”, giọng đọc truyền cảm ấy đã tái hiện trước mắt khán thính giả cả thế hệ tuổi thơ anh hùng trong chiến tranh. Có lần, tôi mượn về nhà cuốn “Không gia đình –tập 1”, tình cờ ông nội cầm lên đọc say sưa, đánh tiếng giục tôi mượn tiếp tập 2. Ông là cán bộ về hưu, ngoài thời gian chuyện trò vui vẻ với hàng xóm, thời gian tập thể thao nhẹ nhàng với mấy cụ tổ hưu, có lẽ những trang sách vẫn sẽ là bạn đồng hành tin cậy của ông cũng như của các cụ hưu trí khác.

Cái thiếu thốn sách không thường trực không thôi thúc như cái đói, cái rét khi thiếu ăn thiếu mặc. Nhưng khi bắt gặp những ánh mắt háo hức, sáng rực lên của các em học sinh lúc đón nhận những quyển sách mới bạn sẽ thấy việc đói sách, khát sách là như thế nào. Với khát khao xây dựng các tủ sách ở nông thôn, Nguyễn Quang Thạch “người ăn mày sách” suốt 18 năm qua đi quyên góp sách. Gần đây, anh đã có chuyến đi bộ xuyên Việt thúc đẩy dự án “Sách hóa nông thôn- vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo” với mục tiêu: kêu gọi phụ huynh chung tay xây dựng tủ sách phụ huynh, kêu gọi các nhà văn, doanh nhân đưa sách về dòng họ, trường cũ, kêu gọi thầy cô giáo hỗ trợ học sinh đọc sách, vận động Bộ Giáo dục – đào tạo đưa chủ trương nhân rộng tủ sách phụ huynh/tủ sách lớp em (đặt tại lớp học) trên toàn quốc; vận động hội khuyến học đưa tủ sách dòng họ vào tiêu chí dòng họ khuyến học.

Trên toàn tỉnh Thái Bình đã có hơn 2.000 tủ sách phụ huynh. Đây là mô hình tủ sách đặt ngay tại lớp học, do phụ huynh học sinh đóng góp xây dựng với sự hỗ trợ của nhà trường. Tại Thái Hưng, Thái Thụy, tủ sách dòng họ Vũ đã tăng gấp ba so với số lượng sách ban đầu. Tủ sách tại nhà thờ giáo xứ Trung Đồng, huyện Tiền Hải  là giáo xứ đầu tiên khởi động tủ sách giáo xứ. Hi vọng trong thời gian tới, việc sách hóa nông thôn sẽ được nhân rộng khắp trên địa bàn tỉnh, để trẻ em cũng như người cao tuổi được tiếp cận dễ dàng.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status