Search by category:
Tin tức

Làng Lạng – làng văn hóa dân gian đặc sắc

    Làng Lạng hay còn gọi là làng Ngoại Lãng thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, cách thành phố Thái Bình khoảng 10km. Làng thờ Đỗ Pháp Thuận Giang Sứ thiền sư, ông sống vào thời Lê Hoàn (980 – 1005) làm Thành hoàng, thờ Đỗ Đô (thiền sư thời Lý) và các phúc thần là người làng.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân làng Lạng luôn nâng niu, giữ gìn và tu bổ nên nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử khá nguyên vẹn, tôn nghiêm. Nổi tiếng hơn cả là chùa Quan Lang (xem sóng), đài Văn Lang (nghe sóng), chùa Bạch Mã – tương truyền đó là nơi các nhà sư từ Ấn Độ qua đây. Đền và chùa Phúc Thắng nơi thờ thiền sư Đỗ Đô, khu hành điện của triều Lý, đền Cầu Vường nơi thờ Giang Sứ thiền sư Đỗ Pháp Thuận.

Cùng với những thiết chế tín ngưỡng là những lễ hội, những phong tục tập quán đẹp hình thành từ nghìn năm trước được gìn giữ, được tái hiện hàng năm. Người Ngoại Lãng từ thời Lý đã có một bộ “luật tục” được khắc vào bảng đồng. Bảng đồng quy định 8 phong tục của làng Ngoại Lãng, nhưng đã bị phá vào thời kháng chiến chống Pháp, đó là:

1, Lễ giảng bảng

Bảng đồng thường ngày để ở trong cung cấm đền Thượng, dân làng ít được nhìn thấy, chỉ đến lễ hội đầu xuân và cũng chỉ hai năm một lần nội dung bảng đồng được sao và niêm yết công khai cho mọi người được biết. Lễ bảng giảng được tiến hành trong 2 ngày của thượng tuần tháng giêng. Ngày mồng bảy lễ phần sắc, ngày mồng tám vào giờ sửu cử hành lễ bảng giảng tại sở hội, các bô lão, chức sắc và mọi người trong dân làng tập trung nghe tiên chỉ của làng giảng về sự tích của thánh, về nội dung bảng đồng. Lễ bảng giảng ngày nay được thay bằng bài diễn văn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong buổi lễ khai mạc hội lạng.

2, Lễ hội thi thày duyệt hoàng nam

Lễ được tổ chức vào ngày mồng sáu, ngày giỗ của thánh. Làng Ngoại Lãng xưa có ba thôn 12 giáp. Hội chủ biên kê số đinh của mỗi giáng, nếu nhà nào không có hoàng nam thì được chọn một trong những người con gái của gia đình ứng với số hoàng nam, mỗi người được biếu một phẩm oản và được cầm một bó đuốc. Ngày mồng tám, pháp sư cùng các hoàng nam và dân làng kéo về nhà hội chủ, sau giờ dậu thì rước hội chủ về đình làng, pháp sư cử lễ dâng sớ cáo yết Thành hoàng làng….

3, Lễ hội thập cúng

Thường các nơi chỉ có lục cúng (hương, hoa, đăng, trà, quả, thực), nhưng ở Ngoại Lãng có thập cúng, ngoài lục cúng còn có kim, châu, thủy, ngọc.

Người Ngoại Lãng giải thích rằng đây không phải cúng Phật, cúng thánh mà là lễ trọng thiêng liêng nhất, đẹp nhất, hội tụ đông đảo nhất. Lễ hội thập cúng được thực hiện từ giờ thìn đến chính ngọ. Kết hợp với lễ là các vũ điệu và các trò diễn xướng xen cổ nhạc, đại chung, tiểu chung cùng các phép ấn quyết, đặc biệt có hành ẩn tỉnh thần cử “tâm thập thất quỳ”.

4, Lễ tán hoa

Sau lễ thập cúng đến lễ tán hoa – lễ giống chư tai diễn ma vương quỷ sứ ám ảnh đời thường, gieo tai giáng họa, nhiễu nhương khiến dân lành khổ sở.

Lễ hội được cử hành đúng giờ Ngọ, khi mặt trời chiếu thẳng đứng. Xuất hành từ chùa Thượng, qua cửa Tuần Vường (còn gọi là Cầu Vường – ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý xưa), rồi trở về làng.

5, Hội cỗ chay làng Lạng

Làng có 12 giáp, mỗi năm mỗi giáp cử ra 2 người, mỗi trai hội làm một cỗ cơm, một cỗ nước trong ngày hội. Tổng cộng có 24 cỗ cái, có 24 lần rước cỗ từ nhà trai chủ lên chùa trong ba ngày hội. Cỗ bày theo ngôi, theo giáp và theo thôn. Phân phối cỗ hàng ngày và chia cỗ cho giáp vào ngày 15 tháng giêng.

6, Lễ hội hạ điền

Ngoại Lãng xưa có lệ mỗi năm tổ chức một lần lễ hạ điền vào 15 tháng năm âm lịch. Qua ngày ấy, người Ngoại Lãng chỉ cần nhìn nắm lạt mạ buộc trên ngọn cây nêu, có thể biết lượng mưa và độ nóng lạnh tích tụ, phân bổ, diễn biến trong một năm để có những biện pháp thích hợp cho công việc đồng áng trong năm.

7, Cơm lam chúc chi

Theo các vị cao niên trong làng kể lại thì làng Lạng còn có tục làm món cơm lam. Nhưng điều đặc biệt ở đây là cơm lam không phải để cúng thần Phật mà là một vị thuốc, một thứ lương thực dự trữ.

Nguyên liệu làm món cơm lam chúc chi bao gồm gạo nếp hương, lá sắn thuyền, nước mưa…Trải qua nhiều công đoạn ngâm, nấu thành xôi, lại ngâm, lại vớt, phơi khô…lặp lại tới 9 lần gọi là “Cửu chung, cửu sắc”. Sau khi phơi khô lần thứ 9 thì gạo ấy được đựng trong lọ sành đút nút kín bằng lá chuối khô để cất đi.

8, Tục đáng cồng đêm 30 Tết

Theo dân làng Lạng thì tục này có từ sau ngày Thiền sư Đỗ Đô mất (1142) và được duy trì đến ngày nay. Người Ngoại Lãng cho rằng tiếng cồng đánh vào lúc giao thừa đêm 30 tết là để xua đuổi ma quỷ, tống tiễn năm cũ, tống tiễn mọi điều xúi…Tiếng cồng cũng là để thỉnh trời đất, với các vị thần linh, đặc biệt với thánh Đỗ Đô….với tiên tổ phù hộ cho dân làng một năm mới ankhang thịnh vượng. Sau tiếng cồng sau lễ thanh, mọi người lấy lộc từ đền Thánh đem vè xông nhà để lấy may.

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn thaibinhtourism.com.vn.
Copyright © 2023 - 2024 | thaibinhtourism.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status